Home > Kinh Sách Tịnh Độ > Tinh-Do-Sanh-Vo-Sanh-Luan

Lời Tựa


Pháp môn Tịnh độ lớn không gì ngoài, tất cả pháp môn đều từ pháp giới này mà lưu xuất, tất cả hành môn đều trở về với pháp giới này. Thật ra, Đạo để chư Phật viên mãn Bồ đề thành trước thành sau và cũng là pháp để chúng sanh nương nhờ sức từ của Phật mà liễu sanh thoát tử. Lý của nó thì rất sâu xa, mà sự của nó lại rất dễ dàng, nên có rất nhiều người chưa có thể biết chỗ triệt để của nó. Hoặc có người cầu phước báo trời người, không dám đưa vai gánh vác, hoặc có người bỏ tin nguyện cầu sanh, chuyên khán niệm Phật là ai, bèn đem pháp đức Như Lai, khắp vì tất cả hàng thượng thánh hạ phàm, đặc biệt lập pháp môn, nương theo từ lực của Phật, liền dự vào Liên trì hải hội, biến thành phương pháp tự lực, đã không tin nguyện, dù thân thấy là ai đi nữa, cũng chỉ là đại triệt đại ngộ mà thôi. Nếu như phiền não hoặc nghiệp chưa hết, thì theo con đường cũ mà chịu cảnh luân hồi. Cảnh duyên trược ác người mê mất chánh niệm rất nhiều, muốn khỏi sanh tử, không biết bao giờ ra khỏi, thật đáng thương thay.

Đại sư Truyền Đăng nương theo đại nguyện, chỉ bảo chúng sanh, mở giáo pháp giải tôn thú, ngộ tự tâm, chuyên tu tịnh nghiệp, khắp lợi trời người, thương xót người đời mê muội, không biết thế giới Cực lạc ở phương Tây, nguyên là duy tâm tịnh độ. Đạo sư A Di Đà Phật nguyên là Tự Tánh Di Đà, bỏ sự thật, chấp lý không, dạy mọi người niệm tự tánh Di Đà, sanh duy tâm tịnh độ. Muốn đem đạo phổ lợi phàm thánh của Như Lai, nhận làm pháp tiêu biểu cho ngụ ngôn, chỉ mong đốn ngộ, ngoài ra không kể đến cõi Tịnh độ có thật. Đó mới là việc làm của người cao siêu. Trái lại, không bằng người quê mùa, nhờ niệm Phật có thể lần hiểu trí Phật, thầm hợp diệu đạo, cảm ứng hợp nhau, nhờ Phật tiếp dẫn, liền được vãng sanh.

Cái bệnh này là do những người thích làm cao, ưa việc đặc biệt, thật sự, họ chưa hiểu rõ cao minh và thù thắng là đem lại cho người nhiều lợi ích, rồi cứ tự đại tự cao, cuối cùng, tưởng mình hay, trở thành dỡ, mong tiến lên, mà bị rơi xuống, thật đáng thương.

Đại sư vì lòng thương xót vô hạn, đặc biệt viết Luận Tịnh Độ Sanh Vô Sanh, chỉ bày tâm Phật, chúng sanh là đều không có sai khác. Tâm tánh này đủ vô lượng đức, chẳng biến mà theo duyên, theo duyên mà không biến đổi, ở phàm không giảm, ở thánh không thêm, do mê ngộ chẳng đồng, nên có mười cõi sai khác. Chính mười cõi này, mỗi cõi đều từ tâm có đủ, tâm tạo ra, tâm làm, tâm là, cầu sanh về Tây phương là chơn vô sanh. Vì khi sanh thì tâm có đủ, tâm tạo ra, tâm làm, tâm là Tây phương, chẳng phải như những người chấp lý bỏ sự. Họ chấp không, nên nói có tên, thật không có cảnh Tây phương, bèn quyết định sanh mà không có tướng sanh, quyết định vô sanh mà không có tướng của vô sanh, đó là sanh mà vô sanh. Theo Đại sư thì tin, nguyện, niệm Phật cầu sanh, ở nơi chính mình, Tây phương do tâm có đủ tâm tạo ra, tâm làm Phật, tâm là Phật. Nên tuy sanh mà không có tướng sanh, tuy vô sanh mà không trụ tướng vô sanh. Đây chính là đại chỉ của Luận sanh vô sanh vậy. Hiểu được chỗ này, thì đâu có ai bằng lòng ngược theo tánh mà làm, từ nhơn quả tam đồ lục đạo sẽ thành nhơn quả xuất thế gian Tam thừa, lần đến nhơn quả Vô thượng bồ đề.

Mười chương trong luận này, mỗi chương đều dùng tâm cụ chỉ thẳng vào tự tánh vốn tự đầy đủ, tâm thể chỉ thẳng tự tánh vốn thanh tịnh, không dao động, không sanh diệt và tâm lượng chỉ thẳng tự tánh hay sanh muôn pháp, tâm quán Phật, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật, chính là yếu chỉ của Ba quán và Ba đế. Đồng thời phát huy được thâm ý của cùng tư, thân gặp minh châu trong túi áo, và lữ hành cô khách nhận được đường trở lại cố hương. Trên hợp với tâm Phật, dưới hợp với thời cơ, nên khi luận đã thành, Ngài đem ra diễn giảng, thiên nhạc trổi trên không, toàn chúng đồng nghe, điều đó chứng minh giá trị của bộ luận này rồi.

Mùa hạ năm nay, nhơn đọc Tịnh Độ Tùng Thư, xem đến luận này, lời lời châu ngọc, hiển bày lý thể chơn như, hàng hàng gấm thêu, thâm phò thật tướng, lời mầu nhiệm sánh như thiên hoa, ý thâm trầm tợ như thiên nhạc. Dám mong mọi người đọc đến, đồng hiểu rõ nghĩa tâm cụ, tâm tạo, tâm tác, tâm thị, dùng tin sâu, nguyện thiết, chí thành niệm Phật, cầu sanh Tây phương, mới không phụ lòng của Đại sư tạo luận.

Quý Hạ Nhâm Ngọ Hồng Nhơn kỉnh tự