Thời đại toàn cầu hóa với các phương tiện kĩ thuật, công nghệ hiện đại đã giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, thế nhưng ai cũng nhận thấy không những nó không mang lại kết quả như mong muốn, ngược lại còn làm cho mọi người lạnh lùng thơ ơ và ngăn cách nhau.
Giao tiếp bằng trái tim là tác phẩm của Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm phân tích bàn luận về các vấn đề quan hệ giữa người với người, mong rằng sẽ cung cấp cho độc giả hướng suy nghĩ toàn diện hơn. Cuốn sách chia thành bốn phần:
- Học cách lắng nghe và tập cho mình thái độ chân thành trong giao tiếp;
- Học cách khen ngợi phát hiện ưu điểm;
- Mở rộng lòng từ bi và bao dung;
- Học cách quan tâm giúp đỡ và tinh thần hi sinh, phụng hiến.
Khi mối quan hệ giữa người với người nảy sinh mâu thuẫn, xung đột, mọi người có thói quen quy tội cho người, ít ai tự nhận lỗi lầm. Thực ra tâm lí căng thẳng, tự đặt mình thành thế đối lập với đối tượng giao tiếp không những dễ tổn thương người khác mà còn làm cho mình thêm phiền não. Trong tác phẩm này hòa thượng có đề cập “Mọi người thường cho rằng sự hài hòa trong giao tiếp chính là làm thế nào để đối phương lắng nghe, chắp nhận mình mà quên bẵng việc mình cần quan sát tìm hiểu các nhu cầu thực sự của đối phương” Ngài chỉ ra rằng, điểm mù quáng nhất của con người trong giao tiếp là lấy bản thân làm trung tâm”: nói, làm điều gì cũng chỉ biết xuất phát từ góc độ cá nhân, chỉ mong người khác chấp nhận mình mà quên đặt mình vào vị trí người khác, không nghĩ đến cảm nhận và ý nguyện của người khác. Biết đặt mình vào vị trí người khác, suy nghĩ hộ người khác chỉnh là chìa khóa mở ra cánh cửa giao tiếp thành công.
Với lời lẽ mộc mạc, dễ hiểu, những ví dụ sinh động thực tế, Thầy Thánh Nghiêm khuyên chúng ta làm bất kì việc gì, tiếp xúc với bất kì đối tượng nào cũng với lòng thành thật đi ra từ trái tim, cần có thái độ bao dung, trọng chữ tín để kết giao với mọi người, lấp đầy hố sâu ngăn cách. Thầy nói “chỉ cần chúng ta có thái độ chân thành, thân thiện, đối đãi với mọi người bằng tình người đích thực, xem mọi người đều là người tốt thì chúng ta sẽ xây dựng thành công mối quan hệ giữa người với người.” Quy mọi mối quan hệ con người về một mối — chân tâm lương thiện, đồng thời Thầy riêu ra những biện pháp có tính khả thi cao cộng với sự vận dụng trí tuệ Phật giáo vào đời sống thực tế mong mang lại lợi ích cho chúng sinh là điểm nổi bật mà chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều trong tấc phẩm này.
Nội dung cuốn sách đúc kết lại ý nghĩa các buổi thuyết giảng có tên “Pháp cổ sơn” trong chương trình truyền hình định kì của Hòa thượng tại Đài Loan. Nội dung đã được biên tập, chỉnh lí và đã đăng tải trong chuyên mục “Nhân sinh đạo sư— thầy dẫn đường đời” của tạp chí “nhân sinh” rất được độc giả yêu thích. Nhận thấy giá trị nhân văn và tính thiết thực của bộ sách này đối với độc giả Việt Nam, chúng tôi mạnh dạn dịch bộ sách này ra tiếng Việt hầu mong có thể giới thiệu đến quý độc giả nội dung các buổi pháp thoại này. Cùng với cuốn “Tìm lại chính mình” và “Tu trong công việc”, mong rằng song song với việc độc giả tự đối thoại với mình sẽ vẫn không quên dùng thiện ý ấm áp tình người để quan tâm, đối thoại với người khác nhằm cùng xây dựng một thế giới thanh bình, hài hòa.