Home > Giới Luật > Tu-Phan-Luat-Ty-Kheo-Ham-Chu-Gioi-Bon

Tứ Phần Luật Tỳ Kheo
Hàm Chú Giới Bổn

Lời Tựa


Tứ phần giới bản là con đường rộng lớn mở ra muôn hạnh, là phép tắc chân chính dẫn dắt Ba thừa.[1] Từ khi đấng Pháp Vương xuất thế khế hợp thời cơ, tùy nhân duyên cứu độ chúng sanh, Ngài thể hiện lòng xót thương của bậc thượng thánh, đồng thời cũng buồn tiếc cho sự chìm đắm của hàng tiểu phàm.

Cho nên, mới mở ra môn Bất húy[2], chỉ bày thuật sâu mầu bí mật[3], giảng giáo môn ‘Vô vấn tự thuyết’, hiển rõ con đường thẳng tắt cho người mới học. Do đó, ở nơi vắng vẻ Ngài hưng khởi cội nguồn giáo này, tập chúng để nêu ra phép tắc nhiệm mầu. Trước nói nguyên do, trình bày rộng về công phát khởi; sau nêu ra tông chỉ chính, bao trùm hết thảy mọi căn cơ. Do căn cứ theo thời mà giảng nói hạnh chung, thế là đại chúng tuân hành, hòa hợp, thanh tịnh đồng lắng nghe, nhờ đó chính pháp mới tồn tại dài lâu. Chỉ vì, ba thời đến không tranh cạnh, tình chấp thì biến chuyển, kinh lại dẫn chuyện mộng thấy tấm lụa;[4] luật thì nêu thí dụ cây gậy gãy[5], làm cho giáo tùy theo văn mà phân chia, lí thuận theo tình mà đổi thay. Do đó, hai bộ, năm bộ khác nhau như mây bay lớp lớp; mười tám bộ, năm trăm bộ khác nhau như núi non trùng trùng. Nếu xét đến khởi nguyên chế giới thì đều do tùy chấp tình kiến phân bộ; nhưng nếu xét cho cùng chỗ qui về thì đều thông với chính nghiệp[6].

Đến cuối thời Tào Ngụy (220-265), giới bổn mới truyền vào Trung Quốc.[7] Đến đầu đời Tùy (581-618), thì giới luật đã bị thay đổi nhiều. Trong đó, hoặc có bản vẫn giữ nguyên tiếng Phạn, hoặc đã dịch sang tiếng Hán, hoặc dựa theo ý nghĩa, hoặc căn cứ theo duyên. Song, nếu so sánh đối chiếu các thuyết với nhau thì việc thành tựu thật mờ mịt; dối gạt người trước; che tối người học sau. Về bản tiếng Phạn thì văn và nghĩa trái ngược nhau; còn bản chữ Hán thì văn nghĩa cũng không dung thông. Nếu căn cứ theo luật thì chỉ được phần tông chỉ mà mất phần biện tướng. Theo nghĩa lí mà tìm cầu thì tuy đã hiểu sâu, nhưng vẫn chưa dẹp hết đầu mối tranh luận. Theo duyên mà y cứ thì dường như đều tròn đủ, nhưng chỉ toàn là những kiến giải riêng. Bởi vì chính giới[8], tức những giới điều cấm chế rõ ràng, chỉ có Phật mới ngăn hay cho phép, còn các bậc hiền thánh thì chỉ biết im lặng làm theo. Vì thế, những điều trình bày trong luật luận đều căn cứ theo chính kinh, còn về lời của Phạt hay Đại-Tiểu hiền thánh khác thì chưa từng dám suy lường đến. Nay tổng hợp những kiến giải trên thì thấy phần nhiều đều theo ý mình; còn khảo xét lại duyên xưa thì thật chưa có thời gian. Nay vì giới bổn rộng lược khác nhau, văn thì cục hạn, thì nghĩa ẩn kín, nếu áp dụng thì không đúng oai nghi, mà bỏ qua thì không có nơi y cứ. Nếu không biện rõ tướng thì người khó mà nương theo.

Từ thuở nhỏ tôi đã ngượng mộ đạo mầu, lòng tôn sùng khuôn phép thanh tịnh. Ngày trước tôi đã từng đến các đạo tràng giảng pháp ở kinh đô, dốc lòng tìm thầy cầu học và trải qua nhiều năm miệt mài, chưa một lần rời sách lìa văn, nhưng vẫn cảm khái vì văn nghĩa vẫn còn có chỗ ngăn trệ.

Đến năm Canh Dần, niên hiệu Trinh Quán thứ 4 (630), tôi đi khắp nơi tìm người để luận bàn về Luật tông, nhưng chỉ thấy mọi người luận bàn tạp loạn, chứ chẳng thấy ai suy nghĩ sâu rộng. Lại thấy mọi người chỉ chú trọng việc bàn luận cao xa, còn hành sự dụng thì hoàn toàn không có; vừa mới biết danh từ năm thiên bảy tụ thì đã cho mình là luật sư; hoặc chỉ thuật chỗ hưng phế, hơn kém của giáo và luật, chứ đâu mở được điểm trọng tâm để quyết định chính xác mà tuân theo. Giả như có hỏi đến việc hưng suy của giới luật thì lại khéo nương vào sớ để giải thích. Nếu gạn đến chứng cứ cốt yếu thì không có văn để minh chứng, chỉ một bề ức thuyết. Hoặc có những bậc thông minh thiên phú, học rộng hiểu nhiều, công hạnh và danh tiếng đều vang xa, nhưng trí dụng thì không có chuẩn tắc, tình chấp cách xa như trời đất. Đó là điều làm lòng tôi còn chưa an, bởi nghĩa phải nương vào pháp để xác định, thì dứt hết mọi tranh luận, vậy cần gì phải nhiều lời?

Nay tôi mạo muội nương vào luật bản, trích đủ từ trong chính kinh,[9] nhưng vẫn nương vào lời Phật giải thích, nên gọi là chú thuật. Văn chỉ có một quyển thì đồng với những bản xưa truyền lại; trì và phạm đều trình bày, nên nay và xưa khác biệt. Như vậy ngõ hầu khiến cho người học đã lâu và người mới học sau đều tu tập, bậc trí người ngu đều tuân theo. Người hiểu biết cạn thì có thể thông hiểu đủ ba phẩm trì luật, người đã rành rẽ thì biết đó chính là một đời giáo hóa của Đức Phật. Nếu nương vào đó để tìm cầu thì thành tựu rất lớn.

Lại nữa, vì mỗi giới đều có duyên khởi, nhưng từ xưa lại vọng truyền và phản bác là không có, nếu không hiểu biết rõ ràng thì rốt cuộc cũng chỉ trở về chỗ hư dối mà thôi. Do đó, tùy mỗi giới mà so sánh dẫn chứng, chọn lấy nhũng điểm cốt yếu mà thêm vào; khiến hiển bày giới tướng, thông thạo thứ bậc; giới nặng, giới nhẹ đều được hiện rõ; đủ để tô thân, bồi đức; đủ để giữ gìn Phật pháp, cứu vãn thời cuộc.

Vì thế, đọc văn thì không nên chọn lấy văn sai lầm; tư duy ý nghĩa thì không nương vào nghĩa các sư khác. Được như vậy thì không chỉ tự mình được Thánh quả vô lậu, mà còn cứu giúp cho những ai có duyên; thế nên mới tự ý đặt bút viết lời tựa này vậy.

Kinh biệt giải thoát khó được nghe
Trải qua vô lượng câu-chi[10] kiếp
Tụng đọc thụ trì cũng như thế
Làm theo lời dạy càng khó hơn.