Home > Pháp Luận > Phat-Bo-De-Tam-Luan

Phẩm 1: Khuyến Phát


Kính lạy khắp pháp giới
Khứ lai hiện tại Phật
Ðấng đại bi cứu thế
Ðẳng không (1), bất động trí (2).

Có một pháp gọi là Ðại phương đẳng (3), tối thượng diệu, thuộc Ma đắc lặc già tạng (4), là chỗ tu hành của bồ tát. Pháp đó có năng lực (một) khuyến khích các vị bồ tát vui thích tu tập Vô thượng bồ đề; (hai) có thể làm cho chúng sanh phát tâm rộng sâu; (ba) kiến lập thệ nguyện đều vì trang nghiêm bồ đề (5); (bốn) bằng cách xả thân mạng tài bảo để nhiếp phục tham lận; (năm) tu tập ngũ tụ giới để dẫn dạy chúng sanh không phạm cấm hạnh; (sáu) hành tất cánh nhẫn (6) để điều phục sân si; (bảy) phát khởi tinh tấn một cách mạnh mẽ để an chỉ chúng sanh; (tám) thực tập các thiền định để biết các loại tâm tánh; (chín) tu hành trí tuệ để diệt trừ vô minh; (mười) ngộ nhập như thật pháp môn để rời xa các chấp trước; (mười một) nói bày các pháp rất sâu là không, vô tướng; (mười hai) xưng tán công đức để Phật chủng không đoạn dứt. Có vô lượng phương tiện như vậy làm pháp môn thanh tịnh trợ giúp đạo bồ đề. Ðây chính là những pháp thượng thượng thiện mà tôi muốn phân biệt, chỉ bày rõ ràng cho hết thảy chúng sanh đạt đến cứu cánh là quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Các người con Phật, nếu là đệ tử Phật, thọ trì lời Phật dạy, thường vì chúng sanh diễn nói giáo pháp, thì trước nên xưng dương công đức của Phật, chúng sanh nghe rồi mới có thể phát tâm cầu trí tuệ Phật. Do phát tâm như vậy nên Phật chủng không đoạn dứt. Hàng tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di thường niệm Phật, niệm pháp, và lại còn niệm công hạnh của đức Như lai: Lúc hành đạo bồ tát, vì cầu pháp mà đức bồ tát phải trải qua a tăng kỳ kiếp thọ các cần khổ. Với tâm niệm cầu pháp như vậy, đức bồ tát được nghe thuyết pháp, dù chỉ là một bài kệ. Ðức bồ tát được nghe giáo pháp qua sự chỉ dạy lợi mừng (7), thì đã gieo trồng thiện căn, tu tập Phật pháp, chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì đoạn trừ các khổ não của vô lượng chúng sanh trong đường sanh tử vô thỉ. Hàng đại bồ tát muốn thành tựu vô lượng thân tâm thì phải cần tu tinh tấn, phát đại nguyện sâu, hành đại phương tiện, khởi đại từ bi, cầu đại trí tuệ vô kiến đảnh tướng (8). Cầu các pháp lớn của chư Phật như vậy rồi, lại phải biết pháp đó vô lượng vô biên. Do pháp vô lượng nên phước đức quả báo cũng lại vô lượng. Ðức Như lai dạy rằng: “Nếu các bồ tát lúc ban đầu phát tâm cho dù một niệm hạ liệt, thì phước đức quả báo của họ trăm ngàn vạn kiếp nói không thể hết. Huống lại, một ngày, một tháng, một năm cho đến trăm năm, tập quen nhiều niệm, thì phước đức quả báo đâu thể nói hết. Vì sao vậy? Vì việc làm của bồ tát là không cùng tận, vì muốn cho tất cả chúng sanh đều trụ Vô sanh pháp nhẫn (9), được quả Vô thượng chánh đẳng giác”.

Các người con Phật, Bồ tát sơ phát bồ đề tâm, thí như biển lớn lúc bắt đầu khởi sự khô cạn, phải biết sự khô cạn đi theo thời gian, từ bậc hạ, trung, thượng cho đến không còn cấp bậc, thì chỗ chứa bảo châu như ý hiện bày. Bảo châu đây đều từ biển lớn sanh ra. Bồ tát phát tâm cũng lại như vậy, từ lúc sơ phát tâm rồi dần dần phát huy, phải biết bồ đề tâm tăng trưởng từ người, trời, thanh văn, duyên giác, bồ tát, Phật đà.

Bồ đề tâm là chỗ phát sanh tất cả thiện pháp, thiền định, trí tuệ (10).

Lại nữa, như tam thiên đại thiên thế giới từ lúc sơ tạo, đến khi hình thành, thứ tự có 25 hữu (11). Tất cả chúng sanh trong các hữu đó thảy đều gánh vác (nhân quả), làm chỗ nương tựa nhau. Bồ tát phát bồ đề tâm cũng lại như vậy, từ lúc sơ phát tâm rồi dần dần phát huy (trong các hữu), khắp vì tất cả vô lượng chúng sanh, bao gồm lục thú, tứ sanh, chánh kiến, tà kiến, tu thiện, tập ác, hộ trì tịnh giới, phạm tứ trọng tội, tôn phụng tam bảo, chê bai chánh pháp, chư ma, ngoại đạo, sa môn, phạm chí, sát lợi, bà la môn, phệ xá, thủ đà la, mà vì gánh vác tất cả, làm chỗ nương tựa cho chúng sanh. Lại nữa, bồ tát phát tâm, lấy từ bi làm đầu. Tâm đại từ của bồ tát thì vô lượng, vô biên, cho nên sự phát tâm cũng không có giới hạn, trùm khắp chúng sanh giới. Thí như hư không trùm khắp tất cả (không chỗ nào không có), bồ tát phát tâm cũng lại như vậy, vì tất cả chúng sanh mà phát tâm nên không chỗ nào không có (sự phát tâm của bồ tát). Cũng như chúng sanh giới vô lượng, vô biên không có cùng tận; bồ tát phát tâm cũng lại như vậy, vô lượng, vô biên không có cùng tận. Hư không không cùng tận, nên chúng sanh giới không cùng tận. Do bồ tát phát tâm ngang bằng chúng sanh giới (12), mà chúng sanh giới không có giới hạn, nên sự phát tâm cũng không có giới hạn (13). Nay tôi nương ý chỉ của Phật mà nói bày một chút phần của chúng sanh giới, như sau:

Phương đông có thiên ức hằng hà sa a tăng kỳ thế giới của chư Phật, cho đến phương nam, phương tây, phương bắc, bốn hướng trên dưới, mỗi mỗi có thiên ức hằng hà sa a tăng kỳ thế giới của chư Phật. Hết thảy đem nghiền nát làm vi trần. Các vi trần này cực nhỏ đến nỗi nhục nhãn không nhìn thấy được. Một trăm vạn ức hằng hà sa a tăng kỳ tam thiên đại thiên thế giới, chỗ có bao nhiêu chúng sanh thảy đều tụ tập, chung lấy một trần. Hai trăm vạn ức hằng hà sa a tăng kỳ tam thiên đại thiên thế giới, chỗ có bao nhiêu chúng sanh, chung lấy hai trần. Như vậy, lần lựa lấy mười phương, mỗi phương có thiên ức hằng hà sa a tăng kỳ thế giới của chư Phật, chỗ nào có địa chủng đều nghiền làm vi trần, gom lại hết, thì chúng sanh giới cũng không thể cùng tận.

Thí như có người chia chẻ một sợi lông làm trăm phần, lấy một phần sợi lông, nhúng vào nước biền lớn. Tôi nay nói bày ít phần về chúng sanh giới cũng lại như nước trên một phần sợi lông, những điều chưa nói như nước biển lớn. Giả sử chư Phật trong vô lượng vô biên a tăng kỳ rộng bày thí dụ, nói cũng không hết (về chúng sanh giới). Sự phát tâm của bồ tát có khả năng che khắp hết thảy chúng sanh giới như vậy. Vì sao? Các người con Phật, vì bồ đề tâm đâu thể cùng tận vậy. Nếu có bồ tát nghe lời như trên mà không kinh, không sợ, không thối lui, không quên mất, phải biết người đó quyết định có thể phát bồ đề tâm. Giả sử, vô lượng hết thảy chư Phật trong vô lượng a tăng kỳ kiếp xưng tán công đức của người đó cũng không thể cùng tận. Vì sao? Vì bồ đề tâm không có giới hạn, không có cùng tận, nên có vô lượng lợi ích như thế. Cho nên nay tôi tuyên nói vì muốn cho hết thảy chúng sanh được nghe để phát bồ đề tâm vậy.