Home > Học Phật Nên Biết > Khuyen-Phat-Bo-De-Tam-Van

Tiểu Dẫn


Trong tam tạng, Bồ đề tâm được nói đến một cách trang trọng, không hơn thì bằng mà thôi, chứ không kém một pháp nào. Đặc biệt là nói chuyên về Bồ đề tâm thì kinh đã có, luận đã có, mà sách cũng có. Trong những đại bộ kinh luận, Bồ đề tâm lại được nói đến bằng phẩm hay phần. Riêng việc khuyến phát Bồ đề tâm, 1 tác phẩm từ đời Đường (số 1862 tập 45 của Đại tạng và số 883 tập 98 của Tục tạng) đã dành cho việc này. Tướng quốc Bùi Hưu của đời ấy cũng có một bài văn như vậy (số 1001 tập 103 của Tục tạng). Bài văn được dịch sau đây chỉ là hậu sinh mà thôi.

Phát Bồ đề tâm, nói đơn giản, là trước hết, lập cái chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng Bồ đề, kế đó, phát triển tuệ giác ấy, cuối cùng, phát hiện bản thể của tuệ giác ấy là chân như. Giai đoạn trước hết, chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng Bồ đề hàm có 2 tính chất mà thành ngữ thường nói là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Như vậy, đối với người học Phật, phát Bồ đề tâm không những là bước đầu mà còn là căn bản, không những là căn bản mà còn là cứu cánh. Do đó mà Bồ đề tâm thành căn bản của Bồ tát giới, và trong Mật giáo còn có sự thọ Bồ đề tâm giới, với một nghi thức dành cho việc này (số 915 tập 18 của Đại tạng).

Về lý do phát Bồ đề tâm, ngoài nỗi thống khổ sinh tử mà mình mục kích và ý thức, có 2 việc mà kinh luận đề cập nhiều nhất, đó là tự biết mình có thể làm Phật và, tha thiết hơn cả, nghĩ đến sự suy tàn của Phật pháp.

Trong 2 buổi công phu, buổi sáng, sự phát Bồ đề tâm được thể hiện trong đoạn văn chính sau đây, ngoài văn phát nguyện hồi hướng:

Nguyện kim đắc quả thành Bảo vương,
Hoàn độ như thị hằng sa chúng
Tương thử thân tâm phụng trần sát,
Thị tắc danh vi báo Phật ân.
Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh:
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập,
Như nhất chúng sanh vị thành Phật,
Chung bất ư thử thủ nê hoàn.
Đại hùng đại lực đại từ bi,
Hy cánh thẩm trừ vi tế hoặc,
Linh ngã tảo đăng vô thượng giác,
Ư thập phương giới tọa đạo tràng.
Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong,
Thước ca la tâm vô động chuyển.

Buổi chiều cũng vậy, sự phát Bồ đề tâm được thể hiện trong 2 đoạn văn chính sau đây, ngoài văn phát nguyện hồi hướng:

Ngã kim phát tâm, bất vị tự cầu Thanh Văn Duyên Giác, nãi chí quyền thừa chư vị Bồ tát; duy y tối thượng thừa, phát Bồ đề tâm: nguyện dữ pháp giới chúng sanh nhất thời đồng đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề.

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ,
Tự tánh Phiền não thệ nguyện đoạn,
Tự tánh Pháp môn thệ nguyện học,
Tự tánh Phật đạo thệ nguyện thành.

Bài văn khuyến phát Bồ đề tâm được dịch sau đây, nói nhiều hơn về giai đoạn trước hết của sự phát Bồ đề tâm. Bài này nằm trong Tục tạng tập 109, trang 296b – 299a. Tục tạng tập 135 cũng có, trang 156b – 158b. Được Ngài Đế Nhàn giảng nghĩa, nên bài này cả nguyên văn lẫn giảng nghĩa nằm trong Đế Nhàn đại sư di tập, tập 7, trang 425 – 474. Bản giảng nghĩa này đã ấn hành riêng trước đó, in lần thứ 3 vào năm 1933. Hồi còn nhỏ bài văn này nằm trong chương trình năm thứ 5 lớp sơ đẳng Phật học của tôi. Theo tôi biết, bài văn này cũng đã được dịch ra tiếng Việt từ trước thế chiến 2, và tuồng như có ít nhất là 2 bản, tiếc rằng tôi không còn bản nào trong lúc dịch lại.

Để phụ thêm cho rõ về từ ngữ Phát Bồ đề tâm trong phương diện văn học, tôi phỏng thuật theo Ngài Thái Hư (Thái Hư đại sư toàn thư, tập 9, trang 755 – 766) thành bài phụ lục 1. Bài này tôi động đến 4 lần: năm 1946 tôi dịch tại Phúc Chỉnh (Ninh Bình) năm 1947 tôi dịch lại cạnh mẹ tôi trong chiến khu Quảng Bình, năm 1950 lược thuật đăng trong Viên Âm (sau lục in trong Tâm ảnh lục) và bây giờ viết phỏng lại đây.

Phụ lục 2 là tiểu truyện tác giả bài văn Khuyến phát Bồ đề tâm, lược dịch theo nguyên văn trong Tục tạng tập 109, trang 321, mặt a và b. Bản giảng nghĩa ấn hành riêng nói trên cũng có trích lục tiểu truyện này (trang 44 – 46).

Tuy nhiên, trường hợp tác giả và tác phẩm Khuyến phát Bồ đề tâm còn nên nói thêm.

Tác giả của tác phẩm Khuyến phát tâm Bồ đề là Ngài Thật Hiền. Tác phẩm của Ngài Thật Hiền, tuy tiểu truyện đã liệt kê như trong phụ lục 2, nhưng tôi mới dò được trong Đại tạng (bản Đại chính tân tu) và Tục tạng (bản chữ Vạn) thì chỉ Tục tạng có:

1. Chú Tây phương phát nguyện văn, số 1146 của Tục tạng tập 108.

2. Đông Hải nhược giải, số 1163 của Tục tạng tập 109.

3. Tỉnh Am pháp sư ngữ lục, số 1164 của Tục tạng tập 109.

Riêng tập Tỉnh Am pháp sư ngữ lục, 52 năm sau khi Ngài Thật Hiền tịch (1786), Bành Tế Thanh thu thập ấn hành. Nội dung gồm nhiều văn phẩm của Ngài, tựu trung có:

a) Truyện vãng sanh của 2 Thượng nhân Mai Phương và Thánh Nhãn mà có lẽ tiểu truyện đã nói là Tục vãng sanh truyện. 2 truyện này, Tịnh độ hiền thánh lục cuốn 6 (Tục tạng tập 135, trang 156, a và b) trích lục ngay trước truyện của Ngài.

b) Khuyến tu Tịnh độ thi mà có lẽ tiểu truyện nói là Tịnh độ thi 108 bài.

c) Niết bàn hội phát nguyện văn,

Xá lợi sám tự,
Trùng kiến Niết bàn sám hội tự,
Niết bàn hội ước tự,
Niết bàn hội ước đệ nhị tự,
Niệm Phật qui ước,
Tịnh nghiệp đường qui ước.

d) Bài văn khuyến phát Bồ đề tâm được để đầu tiên.

Tất cả 7 bài nơi mục c) không những liên hệ đến bài văn Khuyến phát tâm Bồ đề tâm, mà còn có những chi tiết quan trọng bổ túc cho tiểu truyện của Ngài. Con người, chí nguyện và việc làm của Ngài cũng bộc lộ qua chính 7 bài này.

Tuy nhiên, có một sự thiếu sót mà tôi nỗ lực tìm kiếm vẫn chưa ra, đó là 2 bản văn Xá Lợi sám và Niết bàn sám. 2 bản này có thật, 7 tài liệu trên chứng minh như vậy. Mà quan trọng là qua 7 tài liệu trên, cho thấy tác phẩm Khuyến phát Bồ đề tâm văn chỉ là bài văn viết trong sám hội của 2 sám văn ấy. Sau đây là sự việc lược thuật theo 7 tài liệu nói trên.

Tuy học rộng và chắc, Ngài Thật Hiền là con người nồng hậu, tình cảm, nặng về hành trì – một loại hành trì cũng theo bản chất tình cảm ấy. Mới xuất gia, Ngài liền hỏi các vị Trưởng lão về ngày Phật Niết bàn, ngày kỵ của Phật. Rồi mùa xuân năm Kỷ Hợi (1719), vượt đại giang, đến triều bái Xá lợi của Phật tôn thờ trong tháp đựng ở núi và chùa A Dục, tại đất và núi Tứ Minh. Tháp này là một nơi còn lại trong 19 nơi thờ Xá lợi của Phật tại Trung Hoa, được dựng vào năm 280, bởi Lợi Tân Bồ tát. Triều bái rồi, Ngài an cư tại đó. An cư xong, đốt một ngón tay cúng Phật. Mùa xuân năm sau, ngày Phật Niết bàn (tục lệ là rằm tháng hai), Ngài lại đến Tứ Minh, mở Niết bàn hội với chủ ý cúng kỵ Phật (từ ngữ của chính Ngài viết, Tục tạng tập 109, trang 305b). Hôm sau bái sám với 2 nghi thức Xá lợi sám và Niết bàn sám mà Ngài tự soạn thuật. Ngày thứ 7 hoàn tất, niệm Phật hồi hướng. Nguyện ước mỗi năm đều làm như vậy cho đến hết đời. Nhưng thật ra chỉ được 10 năm (Kỷ Hợi 1719 – Kỷ Dậu 1729). Sau đó, để mọi người khỏi quá mệt vì đi xa, quá tốn vì đường dài, Ngài tổ chức kỷ niệm ngày Phật Niết bàn bằng 10 ngày bái sám tại giới đàn Bồ tát của chùa Tiên Lâm, cũng bằng 2 sám văn trên. Việc đốt năm ngón tay cúng Phật chắc tuần tự thực hiện trong 10 năm triều bái Xá lợi tại tháp của núi và chùa A Dục.

Tuy không biết đích năm nào, nhưng bài văn khuyến phát Bồ đề tâm chắc chắn được viết theo nhu cầu của Niết bàn hội tại núi A Dục. Đại chúng đối tượng của bài văn này chính thị là những người cùng bái sám với Ngài tại đây. Trong văn nói phát 48 lời nguyện, 48 lời nguyện ấy nguyên văn còn đầy đủ, mang tên Niết bàn hội phát nguyện văn, 1 trong 7 tài liệu nói trên. Lại nói soạn thuật sám pháp, lập pháp hội này, thì sám pháp ấy chính thị là Xá lợi sám và Niết bàn sám, còn pháp hội là Niết bàn hội. Những lời này thấy ở đoạn giải thích lý do thứ 10 của sự phát Bồ đề tâm.

Triều bái Xá lợi của Phật với sự tưởng nhớ ơn Phật và nghĩ cách làm cho Phật pháp tồn tại, với sự phát Bồ đề tâm, lập 48 đại nguyện, bài sám bằng 2 nghi thức, đốt 5 ngón tay cúng dường, niệm Phật mà hồi hướng về Tịnh độ, làm như vậy suốt trong 10 mùa an cư dưới chân tháp tôn trí Xá lợi của Phật: đó là ý thức cùng nhau cúng kỵ Phật của Ngài Thật Hiền. Ngoài việc này, sau 10 năm nói trên, Ngài cùng mọi người chuyên tu Tịnh độ với 2 qui ước: 1 cho mỗi kỳ hạn 3 tuần và 1 cho mỗi kỳ hạn 3 năm. Với qui ước này, Ngài bảo ta đi là trở lại liền, và thành người khách đưa đường giữa Ta bà và Tịnh độ.

Về bài văn Khuyến phát Bồ đề tâm, và tác giả của nó là Ngài Thật Hiền, Bành Tế Thanh đã viết, đọc bài văn ấy không lúc nào tôi khỏi đổ mồ hôi, khỏi rơi nước mắt... Đại sư nhân chiêm bái Xá lợi mà phát tâm rộng lớn, ngôn từ phát ra như phơi trải gan ruột... Thật là ngọn cờ tinh tiến cho thời đại mạt pháp (Tục tạng tập 109, trang 295a). Lời này cũng đã đủ để giới thiệu.

Phần tôi, một hôm ngẫu nhiên gặp Thượng tọa Thiện Siêu và Đại đức Đổng Minh đang chung nhau bàn về bài văn này. Tối đó tôi mộng thấy thầy Trí Độ tôi bảo dịch. Đêm sau mộng nữa, thấy 2 hàng Tăng chúng đang đọc bài văn này. Do đó tôi quyết định dịch.

Vu Lan 2515

Trí Quang

(Nguồn: Tâm ảnh lục, tập 2, tr. 222 224)