Kinh Đại Nhật (tên gọi đầy đủ là Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh, Mahāvairocanābhi saṃbodhi vikurvitā dhiṣṭhāna vaipulya sūtren drarāja nāmadharma paryāya) cùng với kinh Kim Cang Đảnh là hai bộ kinh trọng yếu trong Đông Mật. Từ các giáo nghĩa trong kinh Đại Nhật mà lưu xuất Thai Tạng Mạn Đà La. Do không tu tập Mật Tông, đối với giáo nghĩa của Mật Tông, mạt nhân chỉ hiểu biết sơ sài về mặt văn tự, lại không có cơ duyên tìm học và lãnh hội Mật Tông. Do vậy, mạt nhân rất ngần ngại khi phải chuyển ngữ các tác phẩm liên quan đến Mật Tông. Chỉ vì trước kia do lòng tham pháp mà đua đòi chuyển ngữ, lại được một số đạo hữu lầm tin tưởng, chẳng chấp nhặt văn từ vụng dại, chữ nghĩa quê kệch, cứ cổ vũ mạt nhân tiếp tục làm chuyện quá sức mình, đến nỗi một người bạn đạo vong niên cũng lầm tưởng mạt nhân đủ khả năng, nhiều lần yêu cầu dịch bộ chú giải kinh Đại Nhật này. Anh nói: “Kinh Mật Tông đã được dịch rất nhiều, nhưng không hiểu vì sao không ai dịch các tác phẩm chú giải, chú hãy giúp anh được đọc chú giải của bộ kinh này trước khi nhắm mắt xuôi tay”. Mạt nhân cũng thử tìm kiếm trên Internet, chắc là do quá low tech, chưa tìm thấy bản dịch nào. Do cả nể và từ chối mãi chẳng được, cũng như thấy vị đạo huynh ấy tuổi ngày một cao, đành phải cắn răng làm liều, dùng kiến thức chấp vá, văn phong quê kệch để chuyển ngữ tác phẩm trọng yếu này cho xong trách nhiệm.
Xét trong Đại Tạng Kinh và Tục Tạng Kinh, ngài Nhất Hạnh để lại hai tác phẩm: Một là Đại Nhật Kinh Sớ (gồm 20 quyển), và một phiên bản khác là Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh Nghĩa Thích (14 quyển), mạt nhân chọn bản dài hơn (tức bản Đại Nhật Kinh Sớ trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, phiên bản điện tử của CBETA). Ngoài ra, do lời Sớ chỉ trích dẫn đại lược các đoạn chánh kinh, chúng tôi cũng dựa theo chánh kinh trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh để trích dẫn nguyên văn các đoạn kinh được giảng giải ngõ hầu người đọc dễ đối chiếu lời chú giải với chánh kinh. Đối với những chữ sai khác đôi chút giữa bản chú giải và chánh kinh, chúng tôi sửa theo chữ ghi trong bản chú giải của ngài Nhất Hạnh. Hơn nữa, tuy bản chú giải chia thành hai mươi quyển, nhưng do thấy nhiều khi chưa giảng hết ý trong một đoạn mà đã sang quyển khác, chúng tôi lược đi, không chia thành quyển để mạch văn được liên tục. Kính mong Tam Bảo từ bi gia hộ, khiến cho con không đến nỗi chuyển ngữ sai lạc ý Phật, ý Tổ, cũng như mong rằng bản dịch quê kệch này sẽ phần nào hữu ích đối với các hành nhân sơ cơ có dịp hiểu đôi chút về giáo nghĩa Mật Tông. Nếu có chút công đức nào, đều xin hồi hướng về pháp giới chúng sanh, lịch đại tổ tiên, oán thân trái chủ, hiện tiền và quá khứ phụ mẫu, sư trưởng, thiện ác tri thức cũng như mười phương chúng sanh đều cùng sanh về Cực Lạc, diện kiến A Di Đà Phật, cùng nghe pháp, tấn tu, cùng chứng Bồ Đề.
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa đê đầu kính bạch