Home > Truyện Phật Giáo > A-Chau-Huyen-Bi

Á Châu Huyền Bí

Chương Một


Trên thế giới ngày nay có rất nhiều sách vở nói về các vấn đề huyền linh, và việc sưu tầm sự thật về những bậc chân sư siêu việt làm cho tôi cảm thấy một sự khích lệ tinh thần để trình bày kinh nghiệm của riêng tôi về những đấng chân sư của phương Ðông.

Trong những chương sách này, tôi không có ý định mô tả một tín ngưỡng hay tôn giáo nào. Tôi chỉ đưa ra một tóm lược những kinh nghiệm cá nhân về các đấng chân sư, để trình bày những chân lý căn bản quan trọng nhất trong giáo lý của các ngài.

Chỉ riêng việc soát xét lại tập du ký này sau khi viết xong cũng đã mất một quãng thời gian rất dài, tương đương với quãng thời gian tôi đã dành ra cho toàn bộ cuộc hành trình khảo cứu!

Thật vậy, các vị chân sư ở rải rác trên một vùng lục địa rộng lớn, và những cuộc sưu tầm về đạo lý của chúng tôi diễn ra trên phần lớn các xứ Ấn Ðộ, Tây Tạng, Trung Hoa và Ba Tư đã trải qua một thời gian dài và gian khổ đến mức có thể làm nản lòng ngay cả những du khách kiên trì nhất.

Phái bộ sưu tầm của chúng tôi gồm mười một nhà khoa học lỗi lạc, đã dành phần lớn đời mình cho những công trình sưu khảo. Chúng tôi đã tập thói quen không chấp nhận bất cứ sự việc gì nếu không có sự phối kiểm chặt chẽ để chứng minh một cách chắc chắn rằng sự việc ấy là đúng thật.

Khi vừa đến nơi, tất cả chúng tôi đều là những kẻ hoài nghi; nhưng khi trở về, chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục và tin tưởng đến nỗi có ba người trong nhóm sau đó đã trở lại và quyết định dành trọn phần đời còn lại để theo đuổi một nếp sống như các vị chân sư và cố gắng thực hiện những công trình cũng giống như các ngài.

Những vị chân sư cao cả ấy đã giúp đỡ rất nhiều cho công việc sưu tầm và khảo cứu của chúng tôi, luôn yêu cầu chúng tôi chỉ nhắc đến các ngài bằng những cái tên giả tạm – với ý nghĩa là cái tên ấy không có thật, trong trường hợp chúng tôi muốn viết hồi ký. Tôi sẵn lòng tuân theo ý muốn của các ngài. Tôi chỉ tường thuật lại những sự việc đã phối kiểm, và dùng những danh từ hay những thành ngữ của chính những nhân vật mà chúng tôi đã gặp gỡ và sống chung nhiều ngày trong cuộc hành trình này.

Trong số những điều kiện tiên quyết được đặt ra cho sự hợp tác giữa chúng tôi với các ngài, có điều này bắt buộc chúng tôi phải tuân theo: Chúng tôi phải chấp nhận như một sự thật những gì xảy ra mà chúng tôi được chứng kiến tận mắt; và không được đòi hỏi bất cứ sự giải thích nào trước khi đã tự mình đi sâu vào vấn đề, đã nhận được những lời chỉ giáo của các ngài, đã sống và quan sát cuộc đời hằng ngày của các ngài.

Chúng tôi phải đi theo các chân sư, sống với các ngài và tự mình quan sát mọi sự việc. Chúng tôi có quyền ở lại với các ngài bao lâu tùy ý, thưa hỏi bất cứ điều gì và cũng được tùy ý đi sâu vào mọi vấn đề để có thể tự mình rút ra những kết luận từ vấn đề đó. Sau đó, chúng tôi được tự do quyết định rằng những điều mà chúng tôi đã nhìn thấy là sự thật hay ảo ảnh.

Các ngài không bao giờ tìm cách gây ảnh hưởng đến sự xét đoán của chúng tôi về bất cứ vấn đề gì. Các ngài luôn nghĩ rằng nếu chúng tôi quan sát chưa đúng mức để có được sự tin tưởng hoàn toàn, thì các ngài cũng không mong muốn chúng tôi phải tin.

Tôi cũng muốn học theo một khuynh hướng hoàn toàn vô tư như vậy đối với quí độc giả, và để cho độc giả có quyền tự do quyết định tin hay không tin vào những chuyện được kể lại sau đây, tùy sự phán đoán của mỗi người.

Chúng tôi đã sang Ấn Ðộ được chừng hai năm, và hằng ngày đều thực hiện những công việc sưu tầm, thì một ngày nọ tôi gặp vị chân sư mà vì lý do đã giải thích trên nên tôi xin tạm dùng một cái tên là “Tuệ Minh”.

Hôm ấy, tôi đang dạo chơi trên đường trong thành phố thì thấy có một đám đông làm cho tôi chú ý. Họ đang vây quanh một người thuật sĩ, thuộc loại các đạo sĩ đi lang thang khắp nơi và làm các trò ảo thuật lạ mắt. Những đạo sĩ như thế có rất nhiều ở đất nước này.

Tôi đến gần và ngay lúc đó nhận thấy ở cạnh bên tôi một người đã lớn tuổi, với một phong độ khác thường, không giống như những người khác trong đám đông. Người ấy nhìn tôi và hỏi tôi sang Ấn Ðộ đã được bao lâu. Tôi đáp:

– Ðộ chừng hai năm.

Người ấy hỏi tiếp:

– Ông là người Anh?

Tôi đáp:

– Không, tôi là người Mỹ.

Ngạc nhiên và thích thú khi gặp một người nói được tiếng mẹ đẻ của mình, tôi mới hỏi người ấy nghĩ sao về cuộc biểu diễn của người thuật sĩ. Người ấy đáp:

– À! Ở xứ này vẫn thường có những cuộc biểu diễn như thế. Người ta gọi họ là thuật sĩ, đạo sĩ hay pháp sư, điều đó còn tùy. Nhưng phía sau những trò ảo thuật đó có ẩn giấu những điều mà chỉ rất ít người biết được mà thôi. Rồi có ngày người ta sẽ nhận thấy cái hay của các trò ảo thuật đó. Nhưng điều mà ông nhìn thấy chỉ là cái ảo ảnh của sự thật nguyên thủy. Việc đó đã từng gây nhiều tranh luận, nhưng hầu hết những người tranh luận dường như chưa bao giờ hiểu hết được sự thật. Tuy nhiên, tất yếu là phải có một sự thật phía sau những cuộc biểu diễn đó.

Ðến đây, chúng tôi chia tay nhau và chỉ thỉnh thoảng mới tình cờ gặp nhau vài lần trong bốn tháng sau đó. Rồi nhóm khoa học gia chúng tôi gặp phải một vấn đề khó khăn, và vấn đề đã gây cho chúng tôi nhiều nỗi lo âu quan trọng. Vài ngày sau đó, tôi lại tình cờ gặp Tuệ Minh. Ông hỏi về nguyên nhân những sự lo âu của tôi và nói với tôi về vấn đề khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải.

Tôi lấy làm ngạc nhiên, vì tôi biết chắc rằng không ai có thể biết gì về vấn đề này ngoài những người trong nhóm chúng tôi. Thế nhưng Tuệ Minh lại có vẻ thông thạo tình hình của chúng tôi đến nỗi tôi có cảm tưởng rằng ông ta biết rõ tất cả vấn đề.

Vì lẽ vấn đề ấy đã không còn là một bí mật nữa, nên tôi thấy không có hại gì mà nói ra tất cả một cách tự nhiên. Khi đó, Tuệ Minh mới bảo tôi rằng ông ta cũng biết được ít nhiều về việc ấy và sẽ cố gắng giúp đỡ chúng tôi.

Chỉ vài ngày sau đó, mọi việc đều được giải quyết thỏa đáng, và mọi lo âu cũng tiêu tan. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên, nhưng không bao lâu rồi việc ấy cũng lui dần vào quên lãng và chúng tôi không còn nghĩ đến nữa.

Rồi những vấn đề khó khăn khác lại xuất hiện, và từ đó tôi thường đem ra bàn luận một cách thân mật với Tuệ Minh. Dường như mọi nỗi khó khăn của chúng tôi liền biến mất sau khi tôi đem ra trình bày với ông ta.

Tôi bèn giới thiệu các bạn tôi với Tuệ Minh, nhưng không hề nói gì với họ về nhân vật lạ lùng này. Trong giai đoạn này, tôi đọc rất nhiều sách do ngài Tuệ Minh chọn lựa và giới thiệu. Những sách ấy nói về truyền thống của nền văn minh Ấn Ðộ, và không biết từ bao giờ tôi đã hoàn toàn tin tưởng rằng Tuệ Minh chính là một vị chân sư. Óc tò mò của tôi bị kích thích, và sự thích thú của tôi ngày càng tăng thêm.

Một buổi trưa Chủ nhật, tôi cùng đi dạo với ngài Tuệ Minh trên một cánh đồng. Thình lình ngài chỉ cho tôi thấy một con bồ câu đang bay lượn trên đầu chúng tôi. Tuệ Minh nói rằng, con bồ câu đang tìm kiếm ngài. Ngài bèn đứng yên một chỗ không cử động, và con bồ câu liền đáp xuống đậu trên một cánh tay của ngài đưa ra. Tuệ Minh nói rằng, con chim này đem đến cho ngài một thông điệp của người em trai hiện đang sống ở miền Bắc Ấn. Người này cũng là một vị cao sĩ cùng phái, nhưng chưa đạt tới trình độ tâm thức siêu đẳng để có thể tiếp xúc với ngài bằng thần giao cách cảm. Bởi vậy, người mới phải dùng đến phương tiện giao tiếp này.

Về sau chúng tôi mới biết rằng, các đấng chân sư có khả năng giao cảm trực tiếp với nhau tức thời bằng phương pháp chuyển di tư tưởng. Các ngài còn cho biết rằng phương pháp này sử dụng một năng lượng còn tinh tế nhị hơn nhiều so với điện năng hay sóng vô tuyến.

Tôi bắt đầu đưa ra những câu hỏi. Ðức Tuệ Minh chứng minh cho tôi thấy rằng ngài có thể kêu gọi loài chim đến với ngài và điều khiển hướng bay của chúng; rằng các loại bông hoa, thảo mộc biết nghiêng về phía ngài khi ngài đi qua; và các loài thú dữ có thể đến gần ngài mà không sợ sệt.

Có lần, ngài tách đôi hai con chó sói đang tranh mồi và cấu xé lẫn nhau. Khi ngài bước đến gần, chúng thôi không cắn nhau nữa, nằm xuống và đặt cái đầu chúng một cách đầy tin tưởng trên hai bàn tay ngài đưa ra, rồi sau đó mỗi con tiếp tục ăn phần thịt của mình một cách ôn hòa. Rồi ngài còn ôm lấy một con đưa cho tôi. Sau đó ngài nói:

– Cái phàm ngã hữu hình hữu hoại không thể làm được những việc này, mà đó là nhờ vào chân ngã thâm diệu hơn, cũng là cái mà anh gọi là Thượng đế. Ðó chính là Thượng đế toàn năng trong tôi, và trong tất cả muôn loài, chính sự biểu hiện của chân ngã nơi tôi đã làm được những việc ấy. Vì cái phàm ngã hữu hoại của tôi không thể làm gì được, tôi phải hoàn toàn gạt bỏ nó đi, để cho cái chân ngã tự biểu lộ và hành động. Bằng cách phát triển tình yêu thương rộng lớn đối với muôn loài mà tôi có thể làm được những điều mà anh đã thấy. Bằng cách để cho tình thương rộng lớn ấy thực sự hiển bày và hướng đến tất cả chúng sinh, ta sẽ cảm hóa được cả thú dữ và không một tai họa nào có thể đến với ta nữa.

Vào thời kỳ đó, tôi được học hỏi hằng ngày về đạo lý với đức Tuệ Minh. Có khi ngài thình lình xuất hiện trong phòng tôi, dẫu rằng tôi đã khóa cửa lại cẩn thận. Lúc đầu, việc này làm cho tôi hoang mang bỡ ngỡ, nhưng không bao lâu tôi thấy rằng ngài xem sự thông cảm của tôi về việc đó như là một chuyện đương nhiên.

Tôi cũng quen với những cách ứng xử của ngài và tôi mở cửa để cho ngài ra vào tự do. Sự tin cậy của tôi có vẻ làm cho ngài hài lòng. Tôi không thể hiểu hết tất cả những lời dạy của ngài và cũng không thể hoàn toàn chấp nhận hết những lời dạy đó. Dẫu rằng tôi đã chứng kiến nhiều sự việc lạ lùng ở phương Ðông, tôi cũng không bao giờ có thể chấp nhận mọi việc ngay lập tức.

Tôi phải trải qua nhiều năm suy tư thiền định để nhận thức được ý nghĩa tâm linh sâu xa về cuộc đời của các đấng chân sư. Các chân sư thực hiện những kỳ công của các ngài mà không chút tự hào, với một thái độ giản dị hồn nhiên hoàn toàn như trẻ con. Các ngài biết rằng, năng lực của tình thương luôn che chở các ngài. Các ngài nuôi dưỡng tình thương rộng lớn đến mức làm cho muôn loài trong cõi thiên nhiên đều cảm mến và trở nên thân thiện với các ngài. Loài rắn và thú dữ mỗi năm thường giết chết hàng ngàn người ở Ấn Ðộ, nhưng các chân sư biểu lộ tình thương bao la từ trong nội tâm các ngài đến mức làm cho loài rắn và thú dữ đều trở nên vô hại.

Ðôi khi các ngài sống trong những chốn rừng thiêng nước độc, hoang vu hẻo lánh nhất. Ðôi khi các ngài cũng nằm phơi mình trước cổng một khu làng để che chở cho làng ấy khỏi sự tấn công của thú dữ. Sau đó các ngài đứng dậy đi an toàn và làng ấy được bình yên vô sự.

Trong trường hợp cần thiết, các ngài có thể đi trên mặt nước, đi trên lửa đỏ, hoặc ngao du trong cõi vô hình và làm nhiều việc lạ lùng khác mà chúng ta cho là nhiệm mầu và chỉ những người có quyền phép thần thông mới có thể làm được.

Có một sự giống nhau lạ lùng giữa cuộc đời và giáo lý của đức Jesus với cuộc đời và giáo lý mà các đấng chân sư từng nêu gương cho chúng ta hằng ngày. Người ta cho là con người không thể hóa phép để có bánh mì hay làm những phép lạ như Ðức Jesus đã làm. Nhưng các đấng chân sư vẫn thường làm những việc ấy. Tất cả những gì các ngài cần dùng hằng ngày như vật thực, y phục... đều có được một cách tự nhiên không cần cố gắng. Các ngài đã vượt qua ngưỡng cửa sống chết, và có nhiều vị đã tùy ý kéo dài đời sống đến hơn năm trăm năm.

Chúng tôi có đủ bằng chứng chắc chắn do những tài liệu riêng được các ngài cung cấp. Vài môn phái ở Ấn Ðộ dường như xuất phát từ giáo lý huyền môn của các ngài.

Các chân sư chỉ gồm một số rất ít vị ở Ấn Ðộ. Bởi đó, số đệ tử của các ngài lẽ tất nhiên là cũng rất giới hạn. Nhưng các ngài có thể tiếp xúc với một số rất nhiều đệ tử trong cõi vô hình. Dường như phần lớn công việc của các ngài là hoạt động trong cõi vô hình để giúp đỡ tất cả những ai có cơ duyên với giáo lý huyền môn.

Giáo lý của chân sư Tuệ Minh là nền tảng của công việc mà chúng tôi sẽ thực hiện trong nhiều năm về sau, trong cuộc hành trình lần thứ ba của chúng tôi sang các xứ ấy. Cuộc hành trình này kéo dài đến ba năm rưỡi. Trong thời gian đó, chúng tôi luôn sống chung với các đấng chân sư, cùng di chuyển khắp nơi với các ngài, cùng quan sát cuộc đời và công việc hằng ngày của các ngài ở Ấn Ðộ, Tây Tạng, Trung Hoa và Ba Tư.

Cuộc hành trình lần thứ ba của chúng tôi có mục đích sưu tầm đạo lý. Trước ngày lên đường, các thành viên trong đoàn chúng tôi họp tại Potal, một làng nhỏ của Ấn Ðộ nằm ở một nơi hẻo lánh.

Tôi viết thư báo tin trước cho đức Tuệ Minh việc chúng tôi sắp đến, nhưng không nói gì về mục đích cuộc hành trình cũng như có bao nhiêu người cùng đi. Nhưng khi đến nơi, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy đức Tuệ Minh đã bố trí người chuẩn bị sẵn chỗ ăn ở cho toàn phái đoàn và tỏ ra biết rõ các kế hoạch của chúng tôi đến từng chi tiết.

Ðức Tuệ Minh đã từng giúp đỡ chúng tôi rất nhiều ở miền Nam Ấn, nhưng từ giờ phút này trở đi thì sự trợ giúp của ngài là lớn lao và quan trọng không thể nói hết. Sự thành công của cuộc hành trình là do nơi ngài mà có, và một phần cũng nhờ các bạn hữu cao quý mà chúng tôi gặp gỡ dọc đường.

Chúng tôi đến Potal, khởi điểm của cuộc hành trình, vào chiều ngày 22 tháng 12 năm 1894. Ngày lên đường, cũng là ngày đáng ghi nhớ nhất trong đời chúng tôi, là sáng ngày lễ Giáng sinh. Tôi không bao giờ quên những lời mà đức Tuệ Minh nói với chúng tôi sáng ngày hôm ấy. Tuy rằng ngài không tự hào có một nền học vấn của người Anh và không hề rời khỏi phương Ðông, ngài vẫn nói trôi chảy tiếng Anh. Ngài nói:

– Hôm nay là ngày lễ Giáng sinh. Ngày này nhắc nhở với các bạn sự giáng sinh của đức Jesus ở Nazareth, tức đấng Christ. Chắc hẳn các bạn đều nghĩ rằng ngài giáng thế để chuộc tội cho nhân loại và ngài là vị trung gian cao cả giữa các bạn với Chúa Trời. Các bạn cầu nguyện đức Jesus như một vị cứu rỗi để xin tội giùm với một đấng Chúa Trời nghiêm khắc, đôi khi thịnh nộ, ngồi chễm chệ ở một nơi nào đó trên cõi trời. Tôi không biết cõi trời đó có thể ở nơi nào nếu không phải là ở trong lương tri của các bạn. Dường như các bạn chỉ có thể đến được với Chúa Trời do sự trung gian của đức Con ngài, một vị ít nghiêm khắc và dễ cảm mến hơn, đấng Cao Cả mà các bạn gọi là đấng Trọn Lành, và hôm nay là ngày kỷ niệm sự giáng sinh của ngài xuống thế gian. Ðối với chúng ta, ngày này còn có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Nó không chỉ nhắc nhở ngày giáng trần của đức Jesus mà còn tượng trưng cho sự xuất hiện của đấng Christ trong lương tri của mỗi người.

Ngày lễ Giáng sinh có nghĩa là ngày nhập thế của đức Chưởng Giáo đã giải thoát nhân loại khỏi mọi sự hệ lụy và giới hạn của vật chất. Ðấng Cao Cả ấy giáng trần để chỉ cho chúng ta con đường đưa đến Thượng đế toàn năng, toàn thông và toàn trí... Khi một người đã tiếp xúc được với nguồn cảm hứng thiêng liêng và phổ biến những ý nghĩ thiêng liêng ấy bằng lời nói, phải chăng những người khác cũng có thể tiếp xúc với nguồn cảm hứng đó, vì nó vẫn hằng có trong vũ trụ?

Khi một người đã nhận được sự cảm hứng thiêng liêng, nó không phải là vật sở hữu riêng của người ấy. Nếu người ấy bắt được nguồn ân huệ đó rồi giữ lấy cho riêng mình, người ấy sẽ không còn có thể tiếp nhận thêm những ân huệ khác nữa! Muốn nhận lãnh thêm nhiều hơn nữa, ta phải cho đi những gì mình đã nhận được. Nếu ta giữ lấy để làm của riêng, thì sẽ có sự bế tắc, ứ đọng. Ðiều này giống như cái bánh xe vận chuyển bằng sức nước. Nếu thình lình cái bánh xe giữ lại dòng nước đã làm cho nó vận chuyển và xoay vòng, thì nó sẽ bị ngưng trệ ngay lập tức. Nó phải để cho nước chảy tự do thì nó mới trở nên hữu dụng và tiếp tục xoay vòng. Con người cũng vậy. Khi tiếp nhận được một nguồn cảm hứng thiêng liêng, người ta phải biết phổ biến những tư tưởng tốt lành ấy đến mọi người khác. Như vậy, người ta mới có thể nhận được điều lợi ích của những tư tưởng đó. Người ta phải biết giúp cho mọi người khác đều có dịp tiếp nhận và phổ biến những tư tưởng thiêng liêng để phát triển tâm linh giống như mình.

Theo ý tôi, tất cả những gì đến với đức Jesus đều là những nguồn cảm hứng thiêng liêng như thế, cũng giống như trường hợp của tất cả các bậc đại giáo chủ. Thật ra, phải chăng tất cả mọi sự mầu nhiệm đều xuất phát từ những nguồn cảm hứng thiêng liêng, và nếu một người đã có thể làm thì những người khác cũng sẽ có thể làm được!

Các bạn hãy tin rằng, chân ngã hiện hữu nơi mỗi người và luôn có khả năng biểu lộ thành những sự nhiệm mầu như vậy, như trường hợp của đức Jesus và nhiều vị khác. Chúng ta chỉ cần có sự mong muốn cho chân ngã biểu lộ như vậy. Thật ra, tất cả chúng ta đều bình đẳng và đều có khả năng như nhau, vì mỗi người đều sẵn có chân ngã. Mỗi người đều có thể thực hiện những điều mầu nhiệm giống như đức Jesus và sẽ thực hiện những việc ấy vào thời điểm thích hợp. Không có gì là bí ẩn hay huyễn hoặc trong những điều mầu nhiệm đó. Sự bí ẩn chỉ có trong những khái niệm vật chất mà loài người đã gán cho các sự việc ấy. Tôi biết các bạn đã tìm đến chúng tôi với ít nhiều sự hoài nghi, nhưng chúng tôi tin rằng các bạn sẽ ở lại đây để nhìn xem tận mắt và hiểu rõ hơn về chúng tôi. Còn những việc làm của chúng tôi và kết quả của những việc ấy ra sao thì các bạn có thể tùy ý chấp nhận hay bác bỏ...

Chúng tôi rời Potal lên đường đi Asmah, một làng nhỏ hơn ở cách đó độ 150 cây số. Ðức Tuệ Minh chỉ định hai thanh niên dẫn đường cho chúng tôi. Cả hai đều là người Ấn Ðộ, to lớn và khỏe mạnh. Họ hướng dẫn cuộc hành trình một cách thông thạo và chu đáo đến mức chưa từng thấy.

Ðể thuận tiện cho việc kể chuyện, tôi xin gọi họ bằng những cái tên tạm là Dật Sĩ và Nê Bưu. Họ nhỏ tuổi hơn chân sư Tuệ Minh rất nhiều. Dật Sĩ là người chỉ huy cuộc hành trình, còn Nê Bưu là phụ tá, coi sóc công việc và thừa hành mọi mệnh lệnh.

Ðức Tuệ Minh kiếu từ chúng tôi và nói:

– Các bạn hãy đi trước, đã có Dật Sĩ và Nê Bưu dẫn đường. Tôi sẽ ở lại đây thêm vài ngày, vì với phương tiện di chuyển hiện tại, các bạn phải mất ít nhất 5 ngày mới đến trạm sắp tới ở cách đây 150 cây số. Tôi không cần mất nhiều thời gian như vậy để vượt qua chặng đường ấy, nên tôi vẫn kịp có mặt tại đó để đón các bạn. Các bạn hãy để lại một người trong đoàn để quan sát và kiểm chứng tất cả mọi việc xảy ra tại đây. Các bạn sẽ có nhiều thời gian, và người ở lại đó sẽ theo kịp các bạn trong 10 ngày tới. Chúng tôi chỉ yêu cầu y quan sát và tường thuật một cách trung thực, chính xác với các bạn những gì đã nhìn thấy mà thôi.

Chúng tôi bèn lên đường. Dật Sĩ và Nê Bưu lãnh trách nhiệm điều khiển mọi việc một cách hết sức chu đáo. Mọi việc đều được giải quyết êm đẹp, và đúng lúc với một tiết điệu và sự chính xác đến toàn hảo. Tình trạng tốt đẹp đó đó vẫn tiếp tục trong ba năm rưỡi sau đó, nghĩa là suốt quãng thời gian của cuộc hành trình.

Dật Sĩ có một bản tính thanh cao thiên phú, dễ mến và luôn làm việc một cách hiệu quả, không khoe khoang, khoác lác. Anh luôn đưa ra mọi chỉ thị với một giọng điệu hòa nhã nhưng luôn được tuân theo một cách đúng đắn và kịp thời đến mức làm cho chúng tôi phải ngạc nhiên. Ngay từ đầu chúng tôi đã nhận ra ngay những tính chất tốt đẹp của anh ta và chúng tôi vẫn thường khen ngợi.

Nê Bưu cũng có nhiều tính chất tốt đẹp không kém, và dường như còn có khả năng hiện diện ở khắp nơi. Luôn luôn bình tĩnh, anh ta làm việc với một hiệu quả lạ lùng, với một khả năng suy xét và hành động rất vững vàng, chắc chắn. Mỗi người đều nhận thấy khả năng đó của anh ta, và chúng tôi luôn nhắc nhở đến.

Qua ngày thứ năm của chuyến đi này, vào độ bốn giờ chiều, chúng tôi đến làng Asmah. Như đã hẹn trước, đức Tuệ Minh đã có mặt tại đó để đón chúng tôi. Quí độc giả có thể tưởng tượng sự ngạc nhiên của chúng tôi như thế nào. Chúng tôi đến đây do một con đường duy nhất có thể đi được và bằng những phương tiện di chuyển nhanh chóng nhất thời đó. Chỉ có những bưu tín viên thiện nghệ người bổn xứ, đi luân phiên nhau từng chặng đường và đi suốt ngày đêm mới có thể nhanh hơn. Còn đây là một người mà chúng tôi cho là đã có tuổi và tuyệt đối không thể nào đi nhanh hơn chúng tôi trên một quãng đường dài một trăm năm chục cây số! Nhưng lạ thay, người ấy lại đến trước chúng tôi và có mặt tại chỗ.

Trong cơn thắc mắc, lẽ tự nhiên chúng tôi hỏi đức Tuệ Minh rất nhiều điều, và ngài trả lời như sau:

– Khi các bạn sắp lên đường, tôi có nói rằng tôi sẽ có mặt tại đây để đón các bạn, và tôi đã đến đây. Tôi xin đặc biệt lưu ý các bạn về điểm này là con người vốn toàn năng khi phát triển được bản chất chân thật của mình. Khi đó, người ta không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Khi hiển lộ được chân ngã của chính mình, người ta không cần phải lê gót chân chậm chạp dọc đường trong năm ngày để vượt qua một trăm năm chục cây số! Với năng lực của chân ngã, chỉ trong khoảnh khắc con người có thể vượt qua mọi quãng đường, dầu xa đến bao nhiêu.

Chỉ mới lúc nãy đây, tôi còn ở tại làng Potal mà các bạn đã từ giã ra đi cách đây năm ngày. Người mà các bạn phân công ở lại Potal sẽ nói cho các bạn biết rằng tôi đã nói chuyện với anh ta cho đến gần bốn giờ chiều. Khi ấy tôi nói rằng tôi đi đón các bạn, vì chắc các bạn đã gần đến nơi. Tôi chỉ làm như vậy để giúp cho các bạn thấy rằng chúng tôi có thể tùy ý gặp lại các bạn ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ lúc nào. Dật Sĩ và Nê Bưu cũng có thể di chuyển bằng cách giống như tôi.

Qua sự việc này các bạn sẽ hiểu rõ hơn rằng chúng tôi cũng là những con người bình thường giống như các bạn. Không có gì là bí mật cả! Chúng tôi chỉ phát triển những năng lực của một chân ngã vốn sẵn có trong tất cả chúng ta. Người của các bạn ở Potal cũng sẽ ra đi cùng một con đường như các bạn. Anh ta sẽ đến đây đúng lúc. Chúng ta sẽ nghỉ một ngày, rồi đi đến một làng nhỏ cách đây chừng một ngày đường, và sẽ trở lại đây để đón anh ta và nghe tường thuật lại mọi việc. Chúng ta sẽ tụ họp lúc chiều nay tại nhà trọ và tạm thời chúng ta hãy chia tay.

Chiều đến, chúng tôi tề tựu đông đủ tại nhà trọ. Vì thời tiết lạnh của miền núi nên chúng tôi khép kín cửa phòng. Thình lình, đức Tuệ Minh xuất hiện trong phòng họp mà không cần mở cửa và nói:

– Các bạn vừa thấy tôi xuất hiện trong gian phòng này bằng một cách mà người ta có thể gọi là nhiệm mầu. Nhưng sự thật không có gì là mầu nhiệm cả. Ðể tôi làm một cuộc thí nghiệm nhỏ giúp các bạn hiểu và tin, bởi vì các bạn có thể nhìn thấy tận mắt. Mời các bạn hãy bước lại gần. Ðây là một cái ly nhỏ đựng nước mà các bạn vừa múc dưới suối lên. Một cục nước đá nhỏ li ti đang tượng hình giữa ly nước. Các bạn hãy nhìn xem, nó càng lúc càng lớn dần do sự kết hợp thêm với nhiều cục nước đá khác. Và bây giờ thì cả ly nước đều đông đặc. Tại sao vậy? Ðó là vì tôi duy trì trong chất tiên thiên khí những phân tử trung ương của nước cho đến khi chúng đông đặc lại. Nói một cách khác, tôi đã hạ thấp những rung động phân tử của chúng đến mức làm cho chúng trở thành nước đá, và những phân tử chung quanh cũng đều đông đặc lại cho đến khi tất cả đều trở thành một khối nước đá. Nguyên tắc ấy cũng áp dụng cho một ly nước uống, một bồn nước tắm, một cái ao, hồ, biển hay toàn thể các đại dương trên quả địa cầu. Nhưng việc gì sẽ xảy ra? Phải chăng tôi có thể làm cho tất cả đông đặc lại, nhưng vì mục đích gì? Không vì mục đích gì cả! Và nếu tôi thực hiện được điều đó thì do nơi nguyên động lực nào? Ðó là sự vận chuyển của một định luật thiên nhiên. Nhưng làm như vậy nhắm đến ích lợi gì? Không có lợi ích gì cả! Nếu tôi vẫn cứ tiếp tục cho đến cùng, việc gì sẽ xảy đến? Tất nhiên là một sự phản ứng. Phản ứng vào đâu? Chính là vào bản thân tôi. Ðịnh luật cơ bản trong thiên nhiên là, điều mà tôi gây ra sẽ tác động trở lại vào chính tôi, với mức độ tương tự như khi tôi tác động vào ngoại cảnh để gây ra sự việc đó. Vì thế, điều khôn ngoan nhất là tôi chỉ nên gây ra những sự việc tốt lành, và sự tốt lành sẽ trở lại với tôi.

Các bạn thấy rằng, nếu tôi cứ tiếp tục gây ra sự giá lạnh quanh tôi, thì sự đông giá sẽ tác động trở lại vào chính tôi trước khi tôi kết thúc, và tôi sẽ bị chết cóng! Ðó là cái kết quả tất nhiên mà tôi gặt hái được do việc làm của mình. Trái lại nếu tôi chỉ làm những việc tốt lành, tôi sẽ gặt hái kết quả của việc tốt lành ấy một cách trường cửu. Sự xuất hiện của tôi chiều nay trong gian phòng này có thể giải thích một cách tương tự. Trong gian phòng nhỏ của tôi ở, tôi đã nâng cao những rung động phân tử của thể xác tôi cho đến khi nó trở về chất tiên thiên khí và tôi giữ nó ở đó. Ðó là tôi trả cái thể xác vật chất ấy về với trạng thái trong thiên nhiên, là cái kho chứa đựng mọi tinh lực vật chất. Kế đó, tôi sử dụng ý chí thiêng liêng của chân ngã để giữ cái thể xác ấy trong tư tưởng, cho đến khi tôi hạ thấp những rung động phân tử của nó đến mức nó tượng hình trở lại ngay trong gian phòng này và các bạn có thể nhìn thấy. Có gì là bí mật đâu? Chẳng qua tôi chỉ sử dụng cái năng lực, hay định luật tự nhiên sẵn có trong tôi qua việc hiển lộ chân ngã linh diệu. Cái chân ngã đó sẵn có trong các bạn, trong tôi, trong tất cả nhân loại! Như vậy, đâu có sự mầu nhiệm nào đâu? Quả thật là không có!

Các bạn vừa thấy những gì đã được thực hiện ở đây, và các bạn còn đang ngờ vực chính đôi mắt của mình. Tôi không trách các bạn điều đó. Tôi nhìn thấy trong tư tưởng các bạn có vài người đang nghĩ rằng đây chắc là một cuộc thôi miên. Như vậy, trong số các bạn có người không tin rằng chính họ có thể sử dụng tất cả những năng lực sẵn có để làm được sự việc như họ vừa nhìn thấy lúc chiều nay. Có lẽ họ cho rằng tôi đã chế ngự tư tưởng hay thị giác của họ. Có lẽ các bạn cho rằng tôi đã làm một cuộc thôi miên tập thể vì tất cả các bạn đều thấy những gì xảy ra. Các bạn có nhớ chăng trong Thánh Kinh có thuật lại rằng Ðức Jesus đã từng xuất hiện trong một gian phòng mà các cửa đều đóng kín? Tôi đã làm giống như ngài. Các bạn có thể nghĩ rằng Ðức Jesus, bậc đại giáo chủ, lại cần phải dùng đến phép thôi miên hay sao? Ngài đã dùng những quyền năng sẵn có trong chân ngã, cũng như tôi đã làm chiều nay. Không một việc gì tôi có thể làm mà mỗi người trong các bạn lại không thể làm được! Và không phải chỉ có các bạn mà thôi, mỗi con người sinh ra trên thế gian này đều có những năng lực tương tự.

Tôi ước mong sao tất cả đều rõ ràng minh bạch trong tư tưởng của các bạn. Các bạn là những nhân vật có cá tính, không phải là những người thụ động, vô tri giác. Các bạn có quyền tự do ý chí của mình. Ðức Jesus không cần phải thôi miên ai cả và chúng tôi cũng thế. Các bạn hãy cứ nghi ngờ chúng tôi đến mức nào tùy ý, cho đến khi nào các bạn có thể dứt khoát tư tưởng. Nhưng bây giờ thì các bạn hãy gạt bỏ cái ý nghĩ về sự thôi miên, hoặc ít nhất hãy để yên nó một chỗ cho đến khi các bạn đã đi sâu vào vấn đề. Chúng tôi chỉ yêu cầu các bạn hãy giữ một tinh thần cởi mở...

Cuộc di chuyển sắp tới của chúng tôi là một chuyến đi khứ hồi theo chiều ngang, chúng tôi còn trở về chỗ cũ trước khi tiến xa hơn nữa. Vì thế, chúng tôi để lại tại chỗ các đồ hành lý và sáng hôm sau chúng tôi lên đường đi đến một làng nhỏ ở cách đó chừng ba mươi lăm cây số. Chỉ một mình Dật Sĩ đi theo chúng tôi.

Con đường mòn rất quanh co, khúc khuỷu, và đôi khi rất khó theo dõi xuyên qua rừng rậm. Vùng này là một vùng núi non cheo leo hiểm trở, và con đường mòn này dường như không có người đi. Ðôi khi chúng tôi phải mở đường đi xuyên qua những đám nho rừng. Mỗi lần chậm trễ, Dật Sĩ tỏ vẻ bực bội. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên về điều đó, vì anh ta thường là người rất bình tĩnh trong mọi việc. Ðó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong khoảng thời gian ba năm rưỡi sống chung với chúng tôi mà anh ta tỏ ra mất bình tĩnh.

Về sau chúng tôi mới hiểu lý do. Chúng tôi đi đến mục tiêu ngay chiều hôm ấy, vừa mệt vừa đói, vì chúng tôi đã đi suốt ngày, chỉ nghỉ có một lúc ngắn để ăn bữa trưa. Nửa giờ trước khi mặt trời lặn, chúng tôi bước vào làng nhỏ, làng này có độ hai trăm dân cư. Khi họ nghe nói có Dật Sĩ đi theo trong đoàn du khách, tất cả dân làng già trẻ bé lớn, đem theo cả thú vật nuôi trong nhà, đều ra tiếp đón chúng tôi.

Ban đầu chúng tôi tưởng mình là mục tiêu sự tò mò chú ý của dân làng, nhưng sau đó chúng tôi mới nhận thấy rằng sự chú ý của họ chỉ tập trung vào Dật Sĩ. Mỗi dân làng đều chào Dật Sĩ một cách tôn kính. Sau khi y đã nói vài lời, phần nhiều dân làng đều trở về với công việc hằng ngày của họ.

Dật Sĩ hỏi xem chúng tôi có muốn đi theo y chăng, trong khi người ta dựng lều cắm trại để nghỉ ban đêm. Năm người trong chúng tôi trả lời rằng họ muốn ở lại để nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc. Những người khác và vài dân làng đi theo Dật Sĩ đến tận ven rừng quanh làng. Chúng tôi đi sâu vào rừng, và không bao lâu, chúng tôi thấy có một người nằm sóng sượt dưới đất.

Thoạt tiên chúng tôi tưởng rằng đó là một xác chết, nhưng nhìn kỹ chúng tôi nhận thấy đó là tư thế nằm của một người đang ngủ chứ không phải một tử thi. Gương mặt người ấy lại là Dật Sĩ, điều này làm cho chúng tôi lặng người vì kinh hoàng!

Thình lình, trong khi Dật Sĩ bước đến gần thì thể xác ấy cử động và đứng dậy. Thể xác ấy và Dật Sĩ đứng đối diện với nhau trong một lúc. Không thể nào có sự lầm lẫn được nữa: cả hai người đều là Dật Sĩ! Rồi bỗng nhiên, chàng Dật Sĩ đi theo chúng tôi biến mất, và chỉ còn có một người đứng trước mặt chúng tôi.

Sự việc ấy diễn ra rất mau chóng, và điều lạ lùng là không ai hỏi điều gì cả. Lúc ấy, năm người còn ở lại sau cũng vừa chạy đến nơi, dù không có ai gọi họ đến. Về sau, chúng tôi hỏi tại sao họ đến nơi, thì họ trả lời:

– Chúng tôi không biết. Chúng tôi chỉ nhớ lại rằng chúng tôi đang chạy đến đây với các anh. Chúng tôi không nhớ rằng có ai gọi chúng tôi đến. Chúng tôi chỉ thấy rằng mình đang chạy, và chúng tôi chạy đã xa trước khi biết rằng mình đang làm gì.

Một người trong chúng tôi kêu lên:

– Ðôi mắt tôi mở lớn đến nỗi tôi nhìn thấy được cảnh giới bên kia cửa chết. Biết bao nhiêu điều mầu nhiệm lạ lùng được tiết lộ cho tôi, làm cho tôi không kịp suy nghĩ gì cả!

Một người khác nói:

– Tôi thấy toàn thể thế giới đã vượt thoát sự chết. Khi đó, một câu trong sách hiện ra trong trí tôi một cách rõ ràng và sáng chói: “Kẻ thù cuối cùng của loài người, sự chết, sẽ bị loại trừ.” Phải chăng những lời này đã được thực hiện? Chúng ta có một trí khôn rất tầm thường so với cái ý niệm lớn lao vĩ đại đó, tuy vậy nó thật là giản dị biết bao. Và chúng ta đã dám tự cho mình là những khối óc thông minh tuyệt vời. Chúng ta chỉ là những đứa trẻ con. Tôi bắt đầu hiểu những lời này: “Các ngươi phải tái sinh trở lại.” Những lời này thật là chí lý xiết bao!

Ðộc giả có thể tưởng tượng sự ngạc nhiên và ngơ ngác của chúng tôi. Ðây là một người đã đi cùng với chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi hằng ngày, người ấy lại có thể nằm phơi mình trên mặt đất để bảo vệ cho một thôn ấp và đồng thời tiếp tục công việc phụng sự một cách chu đáo và toàn hảo ở một nơi khác. Chúng tôi buộc phải nhớ lại câu nói trong Thánh Kinh: “Người cao cả nhất trong các ngươi là người nào dốc lòng phụng sự kẻ khác.”

Kể từ khi đó, tất cả chúng tôi không ai còn sợ chết nữa. Dân bổn xứ có thói quen đặt một xác người nằm trong rừng rậm trước một thôn ấp khi trong vùng có nạn xâm lăng quấy nhiễu bởi những phần tử bất hảo đi hai chân hoặc bốn chân. Nhờ đó, làng mạc khỏi bị trộm cướp hay thú dữ khuấy phá, và được an toàn như ở giữa nơi đô thị.

Thể xác của Dật Sĩ hiển nhiên là đã nằm tại đó trong một thời gian rất lâu. Ðầu tóc của y đã mọc loạn xạ và có chứa những tổ chim, đó là một loại chim nhỏ đặc biệt của vùng này. Giống chim này đã làm tổ trên đầu y, nuôi những chim non cho đến khi chúng lớn lên và bay đi mất; đó là cái bằng chứng tuyệt đối về thời gian mà xác thân của Dật Sĩ đã nằm yên bất động tại đó. Giống chim này rất nhát gan, mỗi cử động nhẹ cũng làm cho chúng sợ sệt và dọn tổ đi nơi khác. Ðiều này chứng tỏ rằng chúng đã đặt sự mến yêu và tin cậy vào nơi chúng đã làm tổ.

Giống cọp núi ăn thịt người gieo tai họa khủng khiếp trong đám dân làng đến nỗi đôi khi họ bỏ hết mọi sự chống cự và tin rằng định mệnh của họ là bị cọp ăn! Giống cọp này đột nhập vào làng xóm và chọn mồi để ăn thịt.

Chính ở trước một thôn ấp này, ở giữa chốn rừng sâu hoang vắng, mà chúng tôi nhìn thấy thể xác của một người khác cũng nằm dưới đất vì mục đích bảo vệ xóm làng. Dân làng này đã bị cọp ăn thịt mất gần hai trăm người. Chúng tôi thấy một trong những con cọp này bước tới một cách vô cùng thận trọng ngang qua chân của thể xác nằm dưới đất. Hai người trong chúng tôi quan sát cái thể xác này trong gần ba tháng. Khi họ rời khỏi làng, thể xác ấy vẫn còn nằm yên tại chỗ và không có một tai nạn gì xảy đến cho dân làng. Chính người này về sau đã tháp tùng với phái đoàn chúng tôi trong chuyến hành trình sang Tây Tạng.

Ðêm đó, trong trại chúng tôi có một sự xúc động mãnh liệt đến nỗi không ai nhắm mắt ngủ được, trừ Dật Sĩ. Anh ta ngủ thẳng giấc như một đứa trẻ. Thỉnh thoảng, một người trong chúng tôi ngồi dậy nhìn xem anh ta ngủ, rồi lại nằm xuống và nói với người nằm bên cạnh:

– Anh hãy véo tôi một cái để xem có thật là tôi đang tỉnh giấc hay không!

Vì chúng tôi có rất nhiều công việc phải hoàn thành trước khi vượt qua dãy Tuyết Sơn nên làng Asmah là căn cứ tốt nhất của chúng tôi. Người bạn mà chúng tôi đã để lại ở Potal để quan sát đức Tuệ Minh cũng đã về đến nơi. Anh ta thuật lại rằng anh đã nói chuyện với đức Tuệ Minh cho đến gần bốn giờ chiều ngày mà ngài hẹn có mặt tại chỗ đến tiếp đón chúng tôi ở Asmah. Vào lúc đó đức Tuệ Minh nói rằng ngài phải đi ngay đến chỗ hẹn. Thể xác ngài bèn trở nên cứng đơ, nằm yên như người ngủ trên nệm. Ngài nằm trong tư thế đó độ chừng ba tiếng đồng hồ, rồi cái thể xác trở nên lu mờ dần và biến mất. Ðó là thời điểm mà đức Tuệ Minh tiếp đón chúng tôi vào buổi chiều tại quán trọ làng Asmah.

Mùa này chưa thuận tiện để chúng tôi vượt qua các truông núi. Ba người bạn cao cả của chúng tôi có thể vượt qua các đoạn đường núi một cách dễ dàng và mau chóng hơn chúng tôi nhiều, nhưng không có vị nào phàn nàn về sự chậm trễ này. Tôi gọi các vị ấy là cao cả, bởi vì họ thật sự xứng đáng với danh từ ấy do đức hạnh của họ.

Tại Asmah, chúng tôi đã xuất hành nhiều lần đi ra các vùng chung quanh, có khi đi với Dật Sĩ, có khi đi với Nê Bưu. Mỗi lần như vậy, họ đều chứng tỏ những đức tính quí báu.

Một trong những chuyến ngao du này nhằm mục đích viếng thăm một làng trong đó có một ngôi đền gọi là Ðền Im Lặng. Làng này gồm có ngôi đền và nhà cửa của những người giúp việc công quả trong đền. Trước kia, vùng này là nơi tọa lạc của một làng khác đã hầu như hoàn toàn bị tàn phá bởi các bệnh truyền nhiễm và loài thú dữ.

Ðức Tuệ Minh, Dật Sĩ, Nê Bưu cùng đi với chúng tôi và nói cho chúng tôi biết rằng thuở xưa kia khi các chân sư đến viếng nơi này, các ngài chỉ thấy có một thiểu số rất ít những người còn sống sót trong số ba ngàn dân cư trong làng. Các ngài săn sóc họ, và sau đó những thú dữ và bệnh tật đều biến mất. Những kẻ sống sót phát nguyện rằng trong trường hợp họ được bình yên, họ sẽ xin lập một ngôi đền thờ và làm công quả suốt đời ở đó, chăm lo việc thờ phụng.

Các chân sư bèn ra đi, và về sau khi trở lại thì các ngài thấy ngôi đền này đã được dựng lên, và những dân làng sống sót trước kia giờ đây hết lòng chăm lo việc công quả thờ phụng trong đền.

Ðó là một ngôi đền rất đẹp, xây trên một ngọn đồi cao, nhìn ra khắp vùng chung quanh. Ðền xây bằng đá trắng và đã có từ sáu ngàn năm nay. Nó không bao giờ cần có một sự tu bổ nào. Ðức Tuệ Minh nói:

– Ðây là ngôi đền Im Lặng, tức là nơi chốn của quyền năng. Vì im lặng là đồng nghĩa với quyền năng. Khi chúng ta đạt tới sự im lặng trong tư tưởng, chúng ta đạt đến quyền năng, nơi đó tất cả đều là sự hợp nhất, một quyền năng duy nhất, tức là chân ngã. Quyền năng phân tán là động, quyền năng tập trung là tĩnh. Khi ta tập trung mọi sức mạnh vào một trung tâm tinh lực duy nhất, chúng ta tiếp xúc với chân ngã trong im lặng. Chúng ta hợp nhất với chân ngã và do đó hợp nhất với mọi quyền năng. Ðó là cái gia tài thừa kế của con người: “Thượng đế và tôi chỉ là một, chính là biểu hiện của chân ngã.”

Phương pháp duy nhất để hợp nhất với quyền năng là quay về tiếp xúc một cách ý thức với chân ngã. Ðiều này không thể thực hiện được từ bên ngoài, vì chân ngã xuất phát từ nội tâm. Chúng ta hãy từ bỏ ngoại cảnh để quay về sự yên tĩnh của nội tâm. Nếu không như vậy, chúng ta không thể hy vọng hợp nhất một cách ý thức với chân ngã. Chúng ta sẽ hiểu rằng mọi năng lực của chân ngã cũng luôn sẵn có trong tầm tay chúng ta, và chúng ta sẽ luôn có khả năng sử dụng những năng lực ấy. Chừng đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta hợp nhất với chân ngã và chúng ta sẽ cảm thông với toàn nhân loại

Con người khi ấy sẽ từ bỏ những ảo giác của lòng tự ái, sẽ nhận thức được sự vô minh và hèn kém của bản ngã nhỏ hẹp, và sau cùng sẽ sẵn sàng chịu học hỏi. Người ta sẽ thấy rằng không thể truyền dạy điều gì cho những kẻ kiêu căng tự phụ, và chỉ những người có lòng khiêm tốn hạ mình mới có thể nhận hiểu được chân lý. Con người sẽ đứng vững nhờ vào nền tảng vững chắc căn bản đó, và sẽ không còn hoang mang, bấp bênh nữa, cũng như sẽ có ý thức rõ rệt về sự quân bình và lòng cương nghị...

Không có bất cứ một vị Thượng Ðế nào để nghe những lời cầu xin tuôn tràn như suối của chúng ta, cũng như những lời kêu gọi thiết tha ầm ĩ lặp đi lặp lại nhiều lần một cách vô ích. Chúng ta phải tìm kiếm Thượng Ðế thông qua chân ngã trong nội tâm, và đó là một sự liên lạc vô hình luôn luôn sẵn có trong tự thân mỗi người. Chính Thượng đế Chân ngã sẽ lắng nghe lời kêu gọi của những tâm hồn chân thành, biết cởi mở để tiếp xúc với ngài, khi người cầu xin biết khơi mở chân ngã bằng chính tâm hồn và trong sự im lặng.

Người nào tiếp xúc với chân ngã trong tĩnh lặng sẽ hiển lộ được năng lực của chân ngã và thực hiện được tất cả những điều mong ước của họ. Trong một cơn linh ảnh hiện ra trước mắt đức Jesus trong bãi sa mạc, ngài thấy “các cõi trời rộng mở” và thấu hiểu cái định luật “hiển lộ”, theo đó những ý niệm có sẵn trong tâm thức sẽ xuất hiện để biểu lộ trong những hình thể vật chất tương ứng. Ngài nhận hiểu luật này một cách hoàn toàn, đến nỗi tự thấy rằng ngài có thể biến đổi tất cả mọi hình thể vật chất chỉ bằng cách điều chỉnh những trạng thái tâm thức của mình đối với chúng.

Trước hết, ngài có ý muốn biến đổi những hòn đá tảng thành bánh mì để ăn cho dịu bớt cơn đói. Nhưng trong khi đó, ngài cũng tiếp nhận được sự diễn đạt đúng đắn về “luật biểu lộ”. Các viên đá tảng, cũng như tất cả mọi vật chất hữu hình, đều xuất phát từ chất liệu của tư tưởng trong tâm thức. Chúng là những biểu lộ thật sự của tâm thức. Mọi vật mà ta mong muốn, nhưng chưa hình thành, vẫn có sẵn trong thiên nhiên, sẵn sàng cung cấp vật liệu cho sự sáng tạo, sẵn sàng tự biểu hiện ra ngoài một cách tương ứng với những thay đổi trong tâm thức của con người.

Sự cần dùng bánh mì dùng để chứng minh rằng cái chất liệu để làm ra bánh mì vốn ở trong tầm tay của ta và có sẵn với số lượng vô biên bất tận. Cái chất liệu đó cũng vốn là tinh hoa của mọi vật, có thể tự biến đổi thành đá tảng hay thành bánh mì.

Khi con người mong ước điều lành, sự mong ước của người ấy phù hợp với bản chất toàn thiện của chân ngã. Kho chất liệu thiên nhiên bao bọc quanh chúng ta sẵn chứa một nguồn tài nguyên vô tận có thể làm thỏa mãn mọi sự mong ước tốt lành. Chúng ta chỉ cần tập sử dụng những gì mà năng lực sáng tạo của chân ngã có khả năng tạo ra. Và chúng ta hãy sử dụng chính cái kho chứa thiên nhiên đó để vượt qua mọi giới hạn vật chất và trở nên “tự do trong sự sung mãn...”