Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > The-gioi-Cuc-Lac-cach-day-muoi-muon-uc-coi-Phat-hang-pham-phu-yeu-kem-lam-sao-co-the-di-den...?

Thế giới Cực Lạc cách đây mười muôn ức cõi Phật hạng phàm phu yếu kém làm sao có thể đi đến...?
Đại Sư Thiên Thai Trí Giả | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Hỏi:- Thế giới Cực Lạc cách đây mười muôn ức cõi Phật, hạng phàm phu yếu kém làm sao có thể đi đến? Lại, trong luận Vãng Sanh nói: 'Người nữ, kẻ căn thiếu. Nhị thừa chủng không sanh.' Đã có lời ấy thì người nữ và kẻ sáu căn không toàn vẹn chắc là không được vãng sanh?

Đáp:- Thế giới Cực Lạc cách đây mười muôn ức cõi Phật, là đối với tâm lượng của hạng nhục nhãn phàm phu ở trong nẻo luân hồi mà nói vậy thôi. Nếu đối với chúng sanh tịnh nghiệp thành tựu, thì tâm ở trong định khi lâm chung, chính là tâm thọ sanh về Tịnh Độ, vừa động niệm liền được vãng sanh. Vì thế trong Quán Kinh nói: 'Cõi nước của Phật A Di Đà cách đây không xa!' Lại nghiệp lực không thể nghĩ bàn, trong một niệm liền được sanh về cõi Phật, không cần phải lo đường lối xa xuôi. Ví như người nằm mơ, thân tuy ở nơi giường, mà tâm đi khắp các nơi xa lạ như lúc còn thức. Sự sanh về Tịnh Độ đại để cũng như vậy.

Còn câu: 'Người nữ, kẻ căn thiếu. Nhị thừa chủng không sanh' là ý nói người nữ khi sanh về Cực Lạc sẽ chuyển thành nam, kẻ căn thiếu lúc về đó các căn sẽ đầy đủ, và tất cả đều được ba mươi hai tướng tốt; chớ không phải bảo người nữ cùng kẻ căn thiếu, không được vãng sanh. Nếu quả như thế thì bà Vi Đề Hy và năm trăm thị nữ đâu được Phật thọ ký cho sanh về Cực Lạc? Thế nên, người nữ cùng kẻ đui điếc câm ngọng ở cõi nầy, nếu niệm Phật A Di Đà, tất đều được vãng sanh. Đến như hàng nhị thừa, nếu chịu hướng về Đại Thừa tin môn Tịnh Độ, nguyện về Cực Lạc, niệm Phật A Di Đà, quyết định đều được vãng sanh, và khi đã về cõi ấy không còn chấp theo tâm lượng hẹp hòi của nhị thừa nữa. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Pháp Tạng Tỳ Khưu, tiền thân của Phật A Di Đà đã phát nguyện rằng: 'Như tôi đắc quả Vô Thượng Giác, tất cả người nữ trong mười phương thế giới nhàm chán thân nữ, xưng danh hiệu tôi, nguyện kiếp sau không còn thọ nữ nhân, quyết đều sẽ được toại ý. Nếu chẳng như thế, tôi thề không thành Phật.' Người nữ chỉ vì muốn chuyển nữ thành nam, niệm Phật A Di Đà, còn được toại nguyện, huống chi những vị đã sanh về Cực Lạc? Cho đến kẻ căn thiếu cũng lại như thế.

Tóm lại, hai câu trên đại ý chỉ luận ở cõi Cực Lạc không có người nữ, kẻ căn thiếu, cùng hạng chủng tử nhị thừa mà thôi.

Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả đại sư thuyết
Pháp sư Trí Viên giảng giải
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa


(Luận) Đệ cửu nghi, vấn: - Tây Phương khứ thử thập vạn ức Phật sát, phàm phu liệt nhược, vân hà khả đáo? Hựu Vãng Sanh Luận vân: “Nữ nhân cập căn khuyết, Nhị Thừa chủng bất sanh”. Ký hữu thử giáo, đương tri nữ nhân cập dĩ căn khuyết giả, định tất bất đắc vãng sanh.
   ()第九疑。問:西方去此十萬億佛剎,凡夫劣弱云何可到?又往生論云:「女人及根缺,二乘種不生。」既有此教,當知女人及以根缺者,定必不得往生。
          (LuậnMối nghi thứ chín, hỏi: Tây Phương cách đây mười vạn ức cõi Phật, phàm phu hèn yếu, làm sao có thể đến đó được? Vãng Sanh Luận lại nói: “Nữ nhân và kẻ căn khuyết, giống Nhị Thừa chẳng sanh”. Đã có lời dạy ấy, hãy nên biết là nữ nhân và kẻ căn khuyết nhất định sẽ chẳng thể vãng sanh).
 
          Ở đây, nêu ra hai nghi vấn lớn:
          1) Tây Phương cách cõi này mười vạn ức Phật sát, xa xôi dường ấy, năng lực của phàm phu rất yếu, làm sao có thể đến đó cho được?
          2) Đã là như Vãng Sanh Luận nói “nữ nhân, căn khuyết, và chủng tánh Nhị Thừa chẳng thể sanh về đó”, đấy chẳng phải là nữ nhân và người căn khuyết quyết định chẳng thể sanh về Tây Phương Tịnh Độ ư?
          Đấy là nỗi nghi hoặc rất lớn, dưới đây, sẽ giải trừ từng điều một.
 
9.1. Chẳng cần lo ngại Tây Phương xa xôi, phàm phu chẳng thể đến được
 
          Phần này lại thông qua giáo, lý, và tỷ dụ để chứng minh.
 
          (Luận) Đáp: - Vị đối phàm phu nhục nhãn sanh tử tâm lượng thuyết nhĩ, Tây Phương khứ thử thập vạn ức Phật sát, đản sử chúng sanh Tịnh Độ nghiệp thành giả, lâm chung tại Định chi tâm, tức thị Tịnh Độ thọ sanh chi tâm. Động niệm tức thị sanh Tịnh Độ thời. Vị thử, Quán Kinh vân: “Di Đà Phật quốc, khứ thử bất viễn”.
          ()答:為對凡夫肉眼生死心量說爾,西方去此十萬億佛剎。但使眾生淨土業成者,臨終在定之心,即是淨土受生之心,動念即是生淨土時。為此觀經云:「彌陀佛國去此不遠。」 
          (Luận: Đáp: - Vì đối ứng với tâm lượng sanh tử của hàng phàm phu nhục nhãn mà nói như thế này: “Tây Phương cách đây mười vạn ức cõi Phật”, chỉ nhằm khiến cho những chúng sanh đã thành tựu nghiệp Tịnh Độ khi lâm chung, cái tâm tại Định chính là cái tâm thọ sanh Tịnh Độ. Hễ động niệm bèn là lúc sanh vào Tịnh Độ. Do lẽ này, Quán Kinh nói: “Cõi Phật Di Đà cách đây chẳng xa”).
 
          Trả lời: Trước hết, phải hiểu kinh nói “Tây Phương cách đây mười vạn ức cõi Phật” là nhắm vào hàng phàm phu nhục nhãn, tâm lượng sanh tử mà nói. Ví như chúng ta cách mặt trăng trước mặt bao xa? Cách xa cung trời Tam Thập Tam Thiên cỡ nào? Cứ tính dần lên như thế đó, [sẽ thấy] cách thế giới Cực Lạc khoảng chừng mười vạn ức cõi Phật. Nhưng phải xác định rõ ràng: Giả sử chúng sanh Tịnh nghiệp chín muồi, lâm chung sẽ có Phật từ bi gia hựu, ngay trong lúc đó, nhất tâm bất loạn ở trong Định, đấy là cái tâm thọ sanh Tịnh Độ. Cảnh giới này hoàn toàn chẳng giống hiện tại, lúc đó, [hành nhân Tịnh Độ] đang ở trong thời khắc tâm thức ly thể đặc thù, lại được Phật lực đặc biệt gia bị, thuộc vào trạng huống “cái tâm đang ở trong Định”. Do đó, trong khoảng một niệm, liền sanh về Tịnh Độ. Do duyên cớ này, Quán Kinh nói: “Cõi nước của Phật Di Đà cách đây chẳng xa”.
          Lại cần phải biết: Chân tâm của chúng ta trọn khắp hết thảy mọi nơi, Di Đà Phật quốc ở ngay trong chân tâm. Khi nhân duyên hòa hợp, sẽ có thể tức thời sanh vào Tịnh Độ trong tâm, chẳng cần lo lắng xa xôi! Lại phải nghĩ, A Di Đà Phật là pháp giới tâm, vào trọn khắp tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Khi chúng ta lâm chung niệm Phật, Phật quang đã nhiếp thọ, tự tâm và Phật tâm hòa hợp, ngay khi đó liền có thể sanh vào Tịnh Độ. Điều này giống như tín hiệu do đài truyền hình phát ra trọn khắp lãnh vực không gian rộng lớn, chỉ cần vặn đúng băng tần tương ứng, ngay lập tức sẽ có thể xuất hiện âm thanh và hình ảnh. Cũng giống như vậy, quang minh và nguyện lực của Phật trọn khắp Vô Ương Số thế giới, lúc lâm chung, cái tâm niệm Phật của chúng ta được Phật nhiếp thọ, ngay khi ấy, duyên khởi hòa hợp, bèn được tâm Phật nhiếp thọ, do như vậy bèn có thể sanh về Tịnh Độ, chẳng cần lo lắng không đến Tịnh Độ được!
          Tiếp đó, lại dùng phương thức so sánh để bảo chúng ta: Nhất định có thể tới [Tịnh Độ].
 
          (Luận) Hựu nghiệp lực bất khả tư nghị, nhất niệm tức đắc sanh bỉ, bất tu sầu viễn. Hựu như nhân mộng, thân tuy tại sàng, nhi tâm ý thức, biến chí tha phương nhất thiết thế giới, như bình sanh bất dị dã. Sanh Tịnh Độ diệc nhĩ, động niệm tức chí, bất tu nghi dã.
          ()又業力不可思議,一念即得生彼,不須愁遠。又如人夢,身雖在床,而心意識遍至他方,一切世界如平生不異也。生淨土亦爾,動念即至,不須疑也。
          (Luận: Lại nữa, nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn, một niệm liền được sanh về đó, chẳng cần phải lo xa xôi. Lại như người nằm mộng, thân tuy ở trên giường, nhưng tâm ý thức đến trọn khắp hết thảy các thế giới ở phương khác, chẳng khác gì lúc bình thường. Sanh về Tịnh Độ cũng thế, vừa động niệm bèn tới, chẳng cần nghi ngờ nữa).
 
          Hơn nữa, nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn! Ví như trong một niệm liền sanh vào địa ngục, hoặc trong một niệm liền sanh lên cung trời. Cũng giống như vậy, trong một niệm có thể sanh về Tây Phương, chẳng cần lo rầu xa xôi. Lại giống như người nằm mộng, thân thể tuy ở trên giường, mà tâm ý thức có thể đến trọn khắp hết thảy các thế giới ở phương khác. Ban ngày chẳng đến xa được như vậy, nhưng trong mộng, thuộc vào cảnh giới đặc thù, đích xác là trong một niệm có thể đến thế giới ở phương khác. Trong lịch sử, có rất nhiều trường hợp để chứng minh. Hoặc là khi tu hành có thành tựu, có thể tùy ý đến thế giới ở phương khác, trong một niệm liền đến. Vì vậy, nói là xa hay gần, nhanh hay chậm v.v… đều là nói theo trạng thái tương ứng khi đó, chẳng thể do khoảng cách ban ngày xa xôi, do trong một giờ chẳng đi được bao xa, mà suy đoán trong mộng [khoảng cách] cũng xa chừng ấy, trong một giờ sẽ chẳng đi được bao xa [giống như khi ta đi trong ban ngày]. [Nếu suy đoán] như vậy, quá nực cười! Hoặc là chẳng thể dùng trạng huống bình thường để suy đoán tình huống trong Thiền Định, hoặc tình huống được gia bị đặc thù v.v… Phải nghĩ như thế này: Ở trong mộng, một niệm tâm có thể đến xa như thế, căn bản là tốc độ mà nhục thân có thể đi được vào ban ngày chẳng thể nào sánh bằng [tốc độ và khoảng cách] trong mộng được! Cũng như vậy, đến khi lâm chung, trong một sát-na tâm thức ly thể, lại có Phật lực gia bị khiến cho tâm chẳng loạn, trong trạng huống ấy, trong một niệm bèn có thể sanh về Tịnh Độ, chẳng cần hoài nghi!
          Tiếp đó, giải trừ nỗi nghi hoặc thứ hai. Điều này lại cần phải hiểu ý nghĩa bao hàm trong giáo chứng do Vãng Sanh Luận đã nói: Chẳng phải là nói “ba loại người ấy chẳng thể sanh về Tịnh Độ”, mà có ý nói, “sau khi vãng sanh, sẽ chẳng có ba loại tình huống ấy”.
 
          (Luận) “Nữ nhân cập căn khuyết, Nhị Thừa chủng bất sanh” giả, đản luận sanh bỉ quốc vô nữ nhân, cập vô manh, lung, ấm, á nhân, bất đạo thử gian nữ nhân, căn khuyết nhân bất đắc sanh bỉ. Nhược như thử thuyết giả, ngu si toàn bất thức kinh ý, tức như Vi Đề phu nhân, thị thỉnh sanh Tịnh Độ chủ, cập ngũ bách thị nữ, Phật thọ ký tất đắc vãng sanh bỉ quốc.
          ()女人及根缺,二乘種不生者,但論生彼國,無女人及無盲聾喑哑人,不道此間女人根缺人不得生彼。若如此說者,愚癡全不識經意。即如韋提女人,是請生淨土主,及五百侍女,佛授記悉得往生彼國。
          (Luận: “Nữ nhân và căn khuyết, chủng tánh Nhị Thừa chẳng sanh” chỉ là luận định “đã sanh trong cõi ấy (cõi Cực Lạc), sẽ không có nữ nhân và không có kẻ mù, lòa, ngọng, câm”, chẳng phải là nói “nữ nhân và kẻ tàn tật trong cõi này (Sa Bà) chẳng thể sanh về cõi đó”. Nếu kẻ nào nói như vậy (nữ nhân và kẻ tàn tật chẳng thể vãng sanh Cực Lạc), chính là kẻ ngu si, hoàn toàn chẳng hiểu ý kinh. [Bởi lẽ], như phu nhân Vi Đề Hy là người đứng đầu cầu thỉnh [pháp môn] sanh về Tịnh Độ, và năm trăm thị nữ đều được đức Phật thọ ký sẽ sanh về cõi ấy).
 
          Nói chung, câu này trong Vãng Sanh Luận nhằm nói: Sau khi đã sanh về Phật quốc, sẽ chẳng có nữ nhân, chẳng có kẻ mù, điếc, ngọng, câm, hoàn toàn chẳng phải là nói “nữ nhân và kẻ tàn tật trong thế giới Sa Bà chẳng thể vãng sanh thế giới Cực Lạc”. Nếu nói như vậy (tức nói “nữ nhân và kẻ tàn tật trong thế giới Sa Bà chẳng thể vãng sanh thế giới Cực Lạc”) rất ngu si, căn bản là chẳng lý giải ý nghĩa của kinh. Một chứng cớ phản bác [cách hiểu sai lầm ấy]: Chẳng hạn như phu nhân Vi Đề Hy là người chủ chốt thỉnh cầu [đức Phật dạy cách] sanh về Tịnh Độ. Đức Phật thọ ký bà ta và năm trăm thị nữ đều vãng sanh cõi ấy, đấy chẳng phải là một trường hợp chứng minh nữ nhân có thể sanh về cõi ấy hay sao? Kinh Pháp Hoa nói: Năm trăm năm sau khi đức Như Lai diệt độ, có người nữ nào nghe được bộ kinh ấy, tu hành đúng như lời dạy, khi cô ta mạng chung, sẽ vãng sanh thế giới Cực Lạc. A Di Đà Phật và các vị đại Bồ Tát sẽ vây quanh chỗ cô ta ở, [cô ta] sẽ sanh trong hoa sen, ngự trên tòa báu. Do điều này bèn biết: Nữ nhân trong cõi này có thể sanh sang Tây Phương.
         
          (Luận) Đản thử xứ nữ nhân, cập manh, lung, ấm, á nhân, tâm niệm Di Đà Phật, tất sanh bỉ quốc dĩ, cánh bất thọ nữ thân, diệc bất thọ căn khuyết thân. Nhị Thừa nhân đản hồi tâm nguyện sanh Tịnh Độ, chí bỉ cánh vô Nhị Thừa chấp tâm. Vị thử cố vân: “Nữ nhân cập căn khuyết, Nhị Thừa chủng bất sanh”. Phi vị thử xứ nữ nhân cập căn khuyết nhân bất đắc sanh dã. Cố Vô Lượng Thọ kinh tứ thập bát nguyện vân: “Thiết ngã đắc Phật, thập phương thế giới nhất thiết nữ nhân, xưng ngã danh hiệu, yếm ố nữ thân, xả mạng chi hậu, cánh thọ nữ thân giả, bất thủ Chánh Giác”. Huống sanh bỉ quốc, cánh thọ nữ thân? Căn khuyết giả diệc nhĩ.
   ()但此處女人及盲聾喑哑人,心念彌陀佛悉生彼國已,更不受女身,亦不受根缺身。二乘人但回心願生淨土,至彼更無二乘執心。為此故云:「女人及根缺,二乘種不生。」非謂此處,女人及根缺人不得生也。故無量壽經四十八願云:「設我得佛,十方世界一切女人,稱我名號厭惡女身,捨命之後更受女身者,不取正覺。」況生彼國更受女身?根缺者亦爾。
   (Luận: Nhưng nữ nhân và kẻ mù, điếc, ngọng, câm trong cõi này tâm niệm A Di Đà Phật, đều sanh về cõi ấy rồi, sẽ chẳng còn thọ thân nữ nữa, mà cũng chẳng thọ thân tàn tật. Hàng Nhị Thừa chỉ hồi tâm nguyện sanh về Tịnh Độ, sanh về cõi đó, sẽ chẳng còn cái tâm chấp trước của hàng Nhị Thừa. Vì vậy bèn nói: “Nữ nhân và căn khuyết, giống Nhị Thừa chẳng sanh”, chẳng phải là nói kẻ nữ và người tàn tật trong cõi này chẳng được vãng sanh [Cực Lạc]. Do vậy, phần bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ có chép: “Nếu tôi thành Phật, hết thảy người nữ trong mười phương thế giới xưng danh hiệu của tôi, chán ghét thân nữ, sau khi xả mạng, lại thọ thân nữ thì tôi chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác”. Huống hồ sanh về cõi ấy lại thọ thân nữ nữa ư? Kẻ căn khuyết cũng giống như vậy).
 
          Nói “không có ba loại người ấy” là nói nữ nhân và người căn khuyết (tàn tật) trong cõi này niệm Phật, sau khi đã sanh về cõi ấy, sẽ chẳng còn thọ thân nữ, mà là thân trượng phu, chẳng còn thọ thân căn khuyết, mà là sáu căn trọn đủ, hết sức thù thắng. Hàng Nhị Thừa hồi tâm, nguyện sanh về Tịnh Độ, đến đó, sẽ chẳng còn có tâm chấp trước của Nhị Thừa nữa, sẽ chẳng chấp Nhị Thừa là rốt ráo, hoặc vẫn khư khư chẳng bỏ ý niệm thấp hèn “chỉ cầu một mình ta giải thoát [là đủ]”. Vì thế mới nói: Đã tới cõi đó, sẽ chẳng còn có hiện tượng nữ nhân, kẻ thiếu căn, và chủng tánh Nhị Thừa, hoàn toàn chẳng phải là nói “nữ nhân và người căn khuyết trong cõi này chẳng thể vãng sanh phương ấy”.
          Phần bốn mươi tám nguyện của kinh Vô Lượng Thọ cũng nói: “Nếu tôi thành Phật, hết thảy nữ nhân trong mười phương thế giới xưng danh hiệu Phật, chán ghét thân nữ. Sau khi đã xả mạng mà vẫn phải thọ thân nữ, tôi sẽ chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác”. Ngay như xưng danh hiệu Phật, sau khi xả mạng mà còn chẳng thọ nữ thân, huống hồ là sanh về cõi ấy, làm sao có thể thọ thân nữ cho được? Hơn nữa, làm sao có thể thọ thân căn khuyết cho nổi? Nói chung, chẳng phải là nói “xét theo cái nhân, ba loại người ấy chẳng vãng sanh”, mà là nói theo cái quả, tức là sau khi đã vãng sanh, sẽ chẳng có ba thứ hiện tượng ấy!

Trích từ: Tịnh Độ Thập Nghi Luận và Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Giáo Và Cuộc Sống, Thượng Tọa Thích Hạnh Bình Tải Về
2 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
3 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
4 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
5 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
6 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
7 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
8 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
9 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
10 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
11 Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Tải Về
12 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
13 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
14 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
15 A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về