Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Diet-Tru-Duoc-Ket-Su-Thi-Moi-Thanh-Tuu-Duoc-Tinh-Nghiep-Niem-Phat

Diệt Trừ Được Kết Sử Thì Mới Thành Tựu Được Tịnh Nghiệp Niệm Phật
Đại Từ Ân tự Sa Môn Khuy Cơ | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng

Kinh Di-lặc vấn(14) ghi rằng: Pháp môn niệm Phật chẳng phải kẻ phàm phu ngu muội có thể thực hành được, chỉ những ai không còn tạp niệm kết sử(15) mới được sanh cõi Phật Di-đà.

Hỏi: Căn cứ vào lời kinh này thì pháp môn niệm Phật chẳng phải kẻ phàm phu ngu muội có thể thực hành được, chỉ những người nào đã diệt trừ được kết sử thì mới thành tựu được tịnh nghiệp niệm Phật. Người tu hành ngày nay phần nhiều là chưa chứng thánh vị, kết sử chưa trừ, thì làm sao được vãng sanh? Như vậy niệm Phật không phải uổng công vô ích hay sao? Lưới nghi thật là sâu dày, xin nhờ cắt xé giúp cho!

Đáp:

Thế Tôn diễn bày giáo pháp tùy theo căn cơ, ý chỉ rất sâu xa khó mà triệt ngộ, tuyệt diệu vô cùng, người tỏ ngộ, đạt được ý chỉ rất là ít, cho nên thủ xả không tường, lại sanh nghi ngờ và chấp trước. Vì sao? Phật dạy tịnh nghiệp niệm Phật thật ra đều là giành cho kẻ phàm phu cả. Tuy nhiên, những người tin sâu nhân quả, há đâu phải là người ngu! Nay xin giải thích hai chữ phàm và ngu, có bốn trường hợp sau đây.

– Một là phàm mà không ngu. Đó là những người phàm phu đã quay về con đường lương thiện, cho đến hạng người đã tu tập lên đến hàng Thập tín(16). Những người này chưa được tương tự duy thức trí(17), cho nên gọi là phàm, nhưng vì đối với chân đế (Tứ đế) và pháp duyên khởi đã có niềm tin sâu sắc, có thể vận tâm thủ xả, điều hại điều lợi đều biết phân biệt, cho nên chẳng thể gọi là ngu.

– Hai là ngu mà chẳng phàm. Đó là những người từ hàng Thập giải(18) lên đến hàng Bồ-tát. Những hạng người này đối với cảnh chân như vì chưa chứng kiến cho nên gọi là ngu, nhưng đã đạt được tương tự vô lậu trí(19), tức biết rõ hai thứ vô ngã(20), không còn trôi theo dòng sanh tử như kẻ phàm phu nữa, nên gọi chẳng phải phàm. Lại nữa, từ Bồ-tát sơ địa trở lên, trong quá trình tiến tu còn bị vô minh chướng ngại, cho nên gọi là ngu, nhưng vì đắc được thánh pháp nên cũng chẳng thể gọi là phàm.

– Ba là vừa phàm vừa ngu. Những người chưa biết quay về nẻo thiện, tất cả những chúng sanh chưa thuận theo thánh lý, cho nên gọi là phàm. Hạng người này cũng chẳng tin nhân quả, nên gọi là ngu.

– Bốn là chẳng phải phàm cũng chẳng phải ngu. Đó là bậc Như lai Thánh trí tròn đầy, nhị chướng đã dứt sạch.

Phàm còn có nghĩa là trôi nổi. Dù cho có dùng điều nhân đức để sửa trị thế gian, nhưng không phân biệt được điều hơn lẽ thiệt, nên chết đây sanh kia, trôi lăn trong sanh tử, vì vậy mà cùng một hàng với phàm phu cả.

Còn những kẻ tới lui trong nẻo ác đường thiện mà không phân biệt được tội nặng tội nhẹ thì đều là hạng ngu si hết.

Nay muốn vãng sanh Tịnh độ, người tạo nghiệp phải biết thế giới Ta-bà này đầy dẫy những khổ đau, để sanh lòng chán ghét, chẳng thể ở lâu. Nghe nói Tây phương vui sướng vô cùng, lòng thành chuyên chú, thệ nguyện sanh về đó, chẳng chút nghi ngờ. Đã có thể mãi mãi dập tắt dòng sông khổ đau, vĩnh viễn giả từ thế giới nhiễm ô, mà lại tùy ý vãng sanh nữa, thì đâu phải chỗ nông cạn! Chỉ cần chuyên lòng niệm Phật cầu sanh Tây phương cực lạc, thì đạo vô sanh có thể ngộ, tương lai sẽ thành Phật. Ý muốn rộng độ pháp giới chúng sanh cho nên mới vận tâm này, quyết định sanh về cõi diệu. Có sự hiểu biết như vậy, đâu phải là ngu!

Nói không còn kết sử, thì phải biết sử có 10 sử, kết có 9 kết(21). Tâm niệm Phật là thức thứ 6, tức tâm vương đã khởi niệm chân chính. Khi muốn làm việc ác thì kết sử phiền não mới có cơ hội phát sanh. Còn lúc chánh niệm niệm Phật, thì bấy giờ tâm đã tương ưng với 5 tâm sở biến hành, 5 tâm sở biệt cảnh, cùng với 11 tâm sở thiện(22), không khuấy động các kết, cho nên chẳng có cơ hội để phát khởi phiền não. Tâm duyên cảnh khác, tức là tạp niệm, vọng tưởng, kết sử mới sanh. Còn lúc chuyên chú nhớ nghĩ đến Phật thì kết sử được nhiếp phục, ngủ yên, cho nên kinh mới nói “không còn tạp niệm kết sử”! Người niệm Phật nguyện cầu vãng sanh Tịnh độ thì không nên nói tạp, bởi vì kết sử chưa đoạn, cho nên tạp niệm dễ sanh. Nếu đã diệt trừ được kết sử, thì tạp niệm không sanh được nữa. Niệm Phật tâm sẽ được thanh tịnh, tánh của nó trái với kết sử. Tâm đã chánh niệm niệm Phật, thì các kết sử không thể hiện hành. Tuy nhiên có lúc niệm Phật bị gián đoạn, không đề phòng, thì nó liền khởi, cho nên không nói là đã diệt hết mà nói là không còn tạp niệm. Chỉ có những bậc Thánh nhân mới đoạn trừ hết phiền não, kết sử.

Nếu quả thật thế giới này đầy đủ sự an ổn thì không cần phải cực khổ niệm Phật để cầu sanh Tịnh độ làm gì.
___________________________
Chú Thích:

14. Kinh Di-lặc vấn, gọi đủ là Di-lặc Bồ-tát sở vấn bổn nguyện kinh, 1 quyển, Trúc Pháp Hộ dịch, ĐTK/ĐCTT 12, số 349.

15. Kết sử: Tên gọi khác của phiền não. Phiền não trói buộc chúng sanh trong sanh tử luân hồi, nên gọi là kết; lại luôn luôn não loạn thân tâm chúng sanh nên gọi là sử. Kết có 9 thứ: ái, khuể, mạn, vô minh, kiến, thủ, nghi, tật, san. Sử có 10 loại: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến.

16. Thập tín, còn gọi là Thập tín tâm, gồm: Tín tâm, Niệm tâm, Tinh tấn tâm, Định tâm, Tuệ tâm, Giới tâm, Hồi hướng tâm, Hộ pháp tâm, Xả tâm, Nguyện tâm.

17. Làm thế nào có thể xa lìa được nhận thức nhị biên này? Do nương nơi ý thức mà có trí duy thức. Trí duy thức là trí có bản thể không nhiễm trần. Nếu thành tựu được trí duy thức thì trí này có thể trở lại làm mất tác dụng ý thức tự bổn. Vì sao vậy? Bởi vì bụi trần không có tự thể, nên ý thức vốn không sanh. Vì ý thức vốn bất sanh, cho nên cái gọi là duy thức cũng tự diệt. Ý thức như nhà ảo thuật. Trí duy thức như con hổ được tạo ra từ nhà ảo thuật. Do ý thức mà sanh ra duy thức. Khi đã thành tựu duy thức quán, có thể trở lại làm tiêu mất ý thức. Vì sao vậy? Bởi sự nhiễm trần vốn là không. Ý thức vôn không sanh. Giống như con hổ giả tạo trở lại nuốt nhà ảo thuật. (Phật tánh luận, quyển thứ 4, Bồ-tát Thiên Thân tạo, Chân Đế dịch, ĐTK/ĐCTT 31, số 1610).

18. Thập giải, tức Thập giải thoát: Bồ tát đã thoát ly được 10 tướng trói buộc, gồm: 1. Giải thoát phiền não, 2. Giải thoát tà kiến, 3. Giải thoát địa ngục, 4. Giải thoát ấm, giới, nhập, 5. Giải thoát khỏi địa vị Thanh văn, Duyên giác, 6. Vô sanh pháp nhẫn giải thoát, 7. Không vướng mắc vào hết thảy quốc độ Phật, hết thảy chúng sanh và hết thảy các pháp giải thoát, 8. Trụ nơi vô lượng vô biên chư Bồ tát trú giải thoát, 9. Xa lìa nhất thiết Bồ tát hành trụ Như lai địa giải thoát, 10. Ở trong một niệm có khả hiểu hết các pháp trong ba đời giải thoát.

19. Vô lậu trí (S. anāsrava-jñāna): trí tuệ thanh tịnh, trí tuệ vô lậu, không còn phiền não nhiễm ô.

20. Hai thứ vô ngã là nhân vô ngã và pháp vô ngã. Nhân vô ngã: Liễu tri được thân người do hợp thể ngũ uẩn tạo thành, không có một cái ngã thể tự chủ tự tại, quán chiếu như thế để đoạn trừ phiền não chướng và mà chứng đắc niết bàn. Pháp vô ngã: Liễu tri chư pháp đều do duyên sanh, chẳng có tự tánh thật thể, quán chiếu như thế để đoạn trừ sở tri chướng mà đến địa vị Bồ tát. Trí tuệ thấu triệt được hai lý này gọi là Nhị vô ngã trí.

21. 10 sử là mười thứ phiền não căn bản, thúc đẩy hay sai khiến chúng sanh làm điều bất thiện, gồm tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến. 9 kết là 9 thứ phiền não trói buộc chúng sanh, tạo nghiệp luân hồi trong ba cõi, gồm ái, khuể, mạn, vô minh, kiến, thủ, nghi, tật, san.

22. 5 tâm sở biến hành: xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư. 5 tâm sỏ biệt cảnh: dục, thắng giải, niệm, định, huệ. 11 tâm sở thiện: tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, cần, an, bất phóng dật, hành xả, bất hại.

Trích từ: Tây Phương Yếu Quyết
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tây Phương Hiệp Luận, Sa Môn Thích Trí Thông Tải Về
2 Hộ Niệm Vãng Sanh Tây Phương, Liên Xã Đài Trung Tải Về
3 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Tây Phương Hợp Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
5 Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy, Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng Tải Về
6 Tây Phương Xác Chỉ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về