Có một người bần cùng đói rách, một hôm đi chơi nhà bạn, được chiếc áo vải thô, mặc đi về nhà, giữa đường gặp người nọ nói « Anh khôi ngô dòng tộc phú quí, vì sao mặc áo vải thô như vầy? Tôi dậy anh một cách có được y phục trân quý, nhưng anh phải nghe tôi, đừng sợ tôi gạt anh ». Người nghèo nghe xong, hoan hỷ vô cùng, vâng lời người kia. Người kia đốt lửa và nói "Giờ anh cởi áo ném vào lửa, khi cháy hết anh sẽ có y phục ẩm thực tốt đẹp". Người nghèo nghe theo, cởi áo vất vào đống lửa, đến khi cháy rụi cũng chẳng thấy chút y phục ẩm thực nào cả.
Thế gian cũng vậy, từ thân quá khứ tu các thiện pháp, được thân đời nay, lẽ phải bảo hộ, tiến tu đức nghiệp, lại để ngoại đạo, tà giáo, mê hoặc, anh nghe lời tôi tu các khổ hạnh, bôi tro đốt lửa, xả thân này rồi sẽ được sinh thiên, vĩnh hưởng khoái lạc. Nghe theo lời đó xả thân mệnh, sau khi chết đọa lạc địa ngục chịu vô lượng khổ, đã chẳng được gì lại mất thân người, chẳng khác người nghèo kia.
Lời Bình:
Câu chuyện phê phán sự tu khổ hạnh, nhưng đã cho ta thấy kết quả thảm hại của sự thiếu tư duy, từ đời đến đạo. Đời như người nghèo đốt áo, đạo như người tu khổ hạnh, nguyên nhân chính khiến những quả hại đó xảy ra chính là sự vô trí. Có hai nguyên nhân đưa đến sự vô trí trong câu chuyện này.
Thứ nhất, tư duy có hai nền tảng. Một là dựa vào ngã ái tư duy, có nghĩa mọi tư duy đều bị ngã ái chi phối, một lối tư duy đầy chủ quan và định kiến, dẫn đến tắng ái và thủ xả, khiến ngã chấp tăng trưởng. Hai là lấy nhân quả làm nền tảng tư duy, có nghĩa tư duy đúng thật với sự việc, mà không quản đến sự đòi hỏi của ngã ái, một lối tư duy khách quan vô ngã đưa thẳng đến chân lý, xa lìa ngã và ái.
Ngã ái tư duy là sở trường tư duy của phàm phu, mọi khởi niệm đều được ngã ái hướng dẫn tư duy, nên trong mỗi niệm đều mang tích chất thương ghét, thuận nghịch, lợi hại, mà chẳng màng đến sự thật. Do luôn tư duy theo ngã ái nên rất nhậy cảm với sự khen chê, chính vì thế thương ghét thủ xả bao giờ cũng là kết quả của ngã ái tư duy, kết quả này khiến tâm động loạn. Thương yêu hay oán ghét đều chướng ngại cho chính tư duy, bởi đều là nhân duyên khiến người ta xa đạo, vì khi tình yêu ngự trị tâm hồn, sẽ thành nạn nhân của si mê đắm đuối (si độc), khi oán ghét khống chế tâm linh, sẽ thành kẻ khủng bố của ông chủ sân hận (sân độc), khi chủ của tâm ta là si hay sân thì đạo sẽ bị trục xuất và cấm đoán hoạt động. Do vậy đức Phật mới đặt vấn đề tiên quyết của xuất gia nhập đạo là cát ái, cắt đứt ái thì ngã không còn chỗ dựa, vì ái là huyết mạch nuôi dưỡng ngã, trừ ái tức cấm đoán tam độc, không để những thứ này ra vào tâm ta thong thà, tự do quấy nhiễu và tự tại thao túng ba nghiệp của ta, biến ta thành kẻ nô lệ nhiều đời, kẻ nô lệ phải trả mọi giá, hứng chịu mọi khổ não, để phục vụ cho ba ông chủ vô yếm túc (không biết chán đủ).
Chúng ta đã biết tắng ái là trở ngại chính cho việc nhập đạo, do khởi tắng ái mà sự thật bị phủ nhận thay bằng tình cảm thuận nghịch, khi sự thật bị chối bỏ, tất chỉ còn lại giả dối và hư huyễn, điều quan trọng hơn cả là sức mạnh của tắng ái đối với chúng sinh, và thói quen hầu hạ, làm đủ mọi cách để thỏa mãn cho tắng ái qua hằng bao đời, đã ăn sâu vào ba nghiệp của nhất thiết chúng sinh, khiến khó cưỡng, khó xả vô cùng, cho dù có gặp thiện tri thức chỉ bầy sự thật về tính bất lương của tắng ái đối với ta, dù đã chấp nhận sự thật này, vẫn chưa dám dứt khoát chia tay với ông chủ bất lương đó, hà huống những người vô trí hoàn toàn không biết gì về sự thật phũ phàng này. Tại gia hay xuất gia tu học khó thành cũng chỉ do nơi niệm tắng ái, phát sinh từ ngã ái tư duy, vì thế, Thiền tông tam tổ Tăng xán nói "đản mạc tắng ái, động nhiên minh bạch" (chỉ đừng khởi thương ghết, thì hiễu rõ mọi sự).
Quả thật dùng tư duy không ngã ái quán sát ngã ái tư duy, sẽ thấy ngã ái làm ô nhiễm tư duy khiến tư duy lệch hướng khách quan chân lý, ngả về hướng chủ quan ngã ái, đó là không thấy sự thật chỉ thấy sự đòi hỏi của ta, gọi đó là tà kiến vì lệch hướng chân lý, ngã ái tư duy là loại tư duy trói buộc, hạn hẹp trong phạm vi của ngã.
Cát ái trừ ngã, tư duy mới được tự do quan sát sự thật, thấy được chân lý trong mọi pháp. Tư duy phi ngã ái là tư duy giải thoát, cảnh giới tư duy này sâu xa và rộng lớn, bao quát ngã, nhân và cảnh. Dùng chân lý tư duy quán sát nhất thiết pháp, thấy không sót một pháp, nơi mỗi pháp lại thấy mọi phương diện, từ mặt lợi đến hại, từ mặt chân đến giả, từ mặt thuận đến nghịch, nhất nhất đều rõ, vì vậy gọi là quán tự tại. Chư Phật dùng quán này thấy mọi căn tính dục của nhất thiết chúng sinh, nên dùng pháp khế cơ khiến chúng sinh khế lý, gọi là khai thị, khi chúng sinh khế được lý tất thành tín nhẫn, căn cơ thuộc hàng nhập địa bồ tát. Bấy giờ chư Phật phá bỏ phương tiện là pháp khế cơ tu hành khế lý, mà chỉ thẳng cứu cánh là cơ tức lý, lý tức cơ, cơ lý bất nhị (giữa cơ và lý không có sự tu nữa), sự lý không hai, cơ là năng chứng, lý là sở chứng, năng sở bất phân (tức không tịch), thành tựu quán tự tại, gọi đó là ngộ nhập Phật tri kiến.
Tư duy không đúng thật với nhân quả, gọi là tà tư, tư duy vô nhân quả gọi là ám tế ngu si, tư duy đúng thật nhân quả gọi là chính tư duy. Người nghèo trong truyện do ám tế ngu si hướng dẫn hành động, nên kết quả thực tối tăm, chẳng được một vật mà còn mất cả áo mặc.
Ngoài ra câu chuyện này còn đồng với Muốn cầu thêm con, cả hai câu chuyện đều có cùng ý nghĩa với nhau.
Người tu khổ hạnh quên mất ý nghĩa khổ hạnh chỉ còn biết hình tướng khổ hành (y cú bất y nghĩa), ban sơ người tu sợ bị ngũ dục chi phối làm ô nhiễm tâm, nên hành các pháp ngược với ngũ dục, thế nhân gọi người không ngũ dục là khổ hành, dần dà về sau ý nghĩa phai dần, chỉ còn hình thức, nên hành khổ hạnh với tinh thần chấp trước, cho khổ hành là đạo, tin rằng do khổ hành thì được hưởng dục nơi cõi thiên, mà không hiểu, từ cảnh giới thiên đến tịnh độ, đều do phúc trí định đoạt, không do khổ hành hay lạc hành quyết định, nếu phúc trí vượt trội người thế gian ắt sinh cõi trời, nếu phúc trí vượt hơn cõi trời ắt sinh tịnh độ, nếu phúc trí cao hơn tịnh độ tất không có chỗ đến đi (vô sinh) gọi là Như lai.
Hành khổ hạnh để cầu dục lạc cõi thiên, mà không tu phúc trí nên thác sinh về chốn khổ cực trong tam ác đạo, tương ưng với nhân hành khổ.
Tổ sư quyền nghi lập nên nghi thức lễ bái tụng kinh để hàng hậu học, thường xuyên được nhắc nhở tư duy, qua thân nghiêm, khẩu tụng, ý niệm, cốt dùng tụng niệm để ba nghiệp thanh tịnh, đời sống thanh tịnh gọi là tăng, nhưng dần dà sau này, chỉ còn hình tướng tụng mà không còn lý tụng nữa, có nghĩa thân nghiêm, khẩu tụng còn ý tưởng sao cũng được chỉ cần thân khẩu là đủ, vì vậy tụng kinh lâu ngày không đưa đến thanh tịnh tâm ý, cho dù thân khẩu có vẻ thanh tịnh, vì tâm ý không thanh tịnh đồng nghĩa với buông lung tắng ái thủ xả, nên ý này dành độc quyền cho ngũ dục, tức danh văn lợi dưỡng. Vì thế Phật sự sau này càng lúc càng chỉ gói trọn trong hành động của thân khẩu, tụng niệm theo nhu cầu tín chúng, còn ý nghĩa chân chính của Phật pháp bị thất truyền dần, do không có người truyền và cũng chẳng có người nhận, giống như ngoại đạo tu khổ hạnh.
Tư hướng dẫn mọi hành, nên tu hành lấy chính tư duy làm căn bản, từ lời Phật dậy cho đến lời thị phi nhân ngã cũng đều phải trải qua sức chính tư duy, tư duy lời Phật để nhận ra thật nghĩa, nếu không thì như đại đa số tín đồ, nghe biết bao lời dậy trí huệ của Phật mà vẫn không sinh trí huệ, chẳng qua là chỉ nghe mà không tư nên không ngộ nhập Phật tri kiến. Chư tổ sư nhờ lực tư duy chân chính nên chỉ nghe một câu cũng đủ nẩy sinh bao trí huệ. Hiểu sai lời Phật dậy sẽ đưa đến hậu quả tai hại cho mình và người, vì vậy lời Phật dậy còn phải tư duy hà huống phi Phật thuyết sao lại không tư duy? Người nghèo kia vì không tư duy lời nói của thiên hạ mới ra nông nỗi, cũng như ngoại đạo tin vào sự tu khổ hành.