[Sách Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ] Diệu Tông Sao chép:
Ðức Tỳ Lô Giá Na Phật ở khắp hết thảy chỗ; hết thảy các pháp đều là Phật pháp. Tức là: vị Phật nơi tánh đức của chúng sanh chẳng phải là tự, chẳng phải là khác, không phải nhân, chẳng phải quả. Vị Phật ấy chính là thể Viên Thường Ðại Giác.
Vì thế, luận Khởi Tín chép: “Giác nghĩa là tâm thể ly niệm. Tướng ly niệm giống như hư không giới, không đâu chẳng hiện hữu. Pháp giới nhất tướng chính là Như Lai thường trụ pháp thân. Nương theo pháp thân ấy mà nói thì gọi là Bổn Giác”.
Phải nên biết rằng: cái thể viên minh của quả Phật chính là tánh đức vốn sẵn đủ của bọn phàm phu ta. Vì vậy, hết thảy hạnh pháp đã được giảng dạy, không pháp nào chẳng nhằm để hiển minh cái giác thể này.
Thế nên, tuy bốn pháp tam muội cùng được gọi chung là Niệm Phật, nhưng quán pháp của từng tam muội không giống nhau. Chẳng hạn như: Nhất Hạnh tam muội quán thẳng vào tam đạo, hiển lộ bổn tánh Phật. Phương Ðẳng tam muội thì kiêm tụng chú, Pháp Hoa kiêm tụng kinh. Quán Âm kiêm đếm hơi thở, giác ý suốt cả ba tánh. Ba thứ tam muội ấy tuy xét về sự thì khác nhưng xét về mặt niệm Phật lại đồng vì cùng để hiển lộ cái Ðại Giác Thể vậy. Tuy [các tam muội ấy] đều cùng nhắm vào niệm Phật nhưng đều dùng những cách chung chung để hiển lộ bản thể của chư Phật.
Còn như quán môn này (tức là các pháp quán dạy trong Quán kinh) và Ban Châu tam muội thì lại nương vào cảnh y báo và chánh báo của cõi An Dưỡng, dùng vi diệu quán chuyên chú nơi đức Di Ðà để hiển lộ cái thể của chơn Phật. Tuy phải dựa vào cảnh, nhưng ta nên biết rằng y báo, chánh báo ấy đều cùng ở trong Nhất Tâm. Tâm tánh trọn khắp, không pháp nào nó chẳng tạo, không pháp nào nó chẳng sẵn đủ. Nếu có một mảy pháp nào sanh từ ngoài tâm thì chẳng gọi là Ðại Thừa Quán vậy.