Home > Khai Thị Phật Học
Luận Về Cảnh Giới
Cư Sĩ Lý Viên Tịnh | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


* Người niệm Phật lâm chung được Phật tiếp dẫn; đấy là chúng sanh và Phật cảm ứng đạo giao, dù chẳng lìa khỏi tâm nghĩ tưởng nhưng chẳng thể nói là [cảnh giới ấy] chỉ do mỗi mình tâm tưởng hiện, tuyệt đối chẳng có chuyện Phật, Thánh nào đến nghênh tiếp cả! Tâm tạo địa ngục thì lâm chung tướng địa ngục hiện. Tâm tạo Phật quốc thì lâm chung tướng Phật quốc hiện.

Nói “tướng tùy tâm hiện” thì được, nhưng nói “chỉ có tâm không có cảnh” thì chẳng được. Nếu bậc đại giác Thế Tôn nói “chỉ có tâm không có cảnh” thì chẳng có lỗi gì, chứ nếu các hạ nói như vậy ắt sẽ rớt vào tri kiến đoạn diệt, ắt thành tà thuyết phá hoại pháp môn tu chứng của đức Như Lai; chẳng thể không dè dặt được. Nếu nói tỉ mỉ mỗi điều, ắt phí bút mực. Biết một ắt sẽ suy được cả ba, không còn sót nghĩa nào.

* Phải biết rằng hiện tại không có pháp nhất định. Do cái thấy của mỗi người khác nhau nên hãy tạm gác những cảnh giới của Phật, Bồ Tát lại đó, chỉ dùng những cảnh phàm tiểu để giảng rõ. Ông Tử Tấn là con vua Châu Linh Vương, học đạo tiên bảy ngày, khi xuất hiện ở Hầu Sơn thì đã qua đời Tấn. Vì thế mới có thơ rằng:

Vương tử khứ cầu tiên,
Đan thành nhập cửu thiên,
Động trung phương thất nhật,
Thế thượng kỳ thiên niên.
(Vương tử học đạo tiên,
Thành đạo dạo cửu thiên,
Trong động chỉ bảy bữa,
Trần gian gần ngàn niên)

(Chữ “kỷ” phải đọc giọng bằng, có nghĩa là “gần”. Từ đời Châu Linh Vương đến nhà Tấn, thời gian dài gần một ngàn năm)

Lại như ông Lã Thuần Dương gặp Chung Ly Quyền trong quán trọ ở Hàm Đan, ông Chung khuyên họ Lã học đạo Tiên, họ Lã muốn được phú quý rồi mới học. Chung trao cho Lã một cái gối bảo hãy ngủ một giấc. Họ Lã mộng thấy mình làm quan từ chức nhỏ đến chức lớn, rồi làm đến Tể Tướng. Năm mươi năm phú quý vinh hoa, thật ít có trong đời. Con cháu đầy nhà, thường sung sướng không tai ương gì. Sau vì một chuyện chẳng hợp ý bề trên bèn tự thoái quan. Lúc tỉnh giấc ra, chủ quán trọ còn đang nấu nồi cháo kê vàng!

Trong mộng thấy ra vào làm tể tướng, bao nhiêu là chuyện lớn, thời gian lâu cả năm mươi năm, tỉnh giấc, nồi cháo kê vàng vẫn chưa nhừ. Đấy chẳng qua là cảnh do tiên nhân biến hiện, mà còn có thể trong một niệm biến hiện những sự nghiệp, cảnh giới của cả năm mươi năm; huống hồ là cảnh giới của Phật là vị trời trong trời, là thánh của các thánh, của các vị đại Bồ Tát đã chứng Pháp Thân? Vì thế, ngài Thiện Tài vào trong lầu gác của đức Di Lặc, vào trong một lỗ chân lông của đức Phổ Hiền, đều ở trong mười phương thế giới hành lục độ vạn hạnh trải Phật sát vi trần số kiếp. Xem đoạn văn ấy, ông còn có thể suy lường được chăng?

Phải biết rằng ba đời không thật thể, còn là phận phàm phu thì chỉ thấy được cảnh giới của phàm phu, chẳng được vin vào cảnh giới phàm phu thấy được đó mà bảo cảnh giới của Phật, Bồ Tát cũng giống như thế, chẳng có gì khác! Nay tôi dùng ví dụ để giảng rõ: Như gương soi tỏ mấy mươi tầng núi sông, lầu gác, thật chẳng có gần xa, nhưng gần xa rành rành! Sắc pháp thế gian còn như thế, huống là bậc đã chứng tâm pháp duy tâm tự tánh ư? Bởi thế mới nói: “Ư nhất hào đoan, hiện bảo vương sát, tọa vi trần lý, chuyển đại pháp luân” (trên đầu sợi lông, hiện cõi bảo vương, ngồi trong vi trần chuyển đại pháp luân).

Mười đời xưa nay, trước sau chẳng lìa đương niệm, vô biên cõi nước chẳng xa cách [một khoảng nhỏ bằng] đầu sợi lông! Phàm những gì thuộc về cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn thì hãy nên ngửa tin lời Phật, đừng suy lường xằng. Nếu như khẩn thiết đến cùng cực, sẽ tự hiểu rõ hết, cũng chẳng cần phải hỏi ai khác cả. Nếu chẳng khẩn thiết, chí thành, dù ra sức lễ bái, trì tụng, nhưng cứ suốt ngày đem những cảnh giới mà phàm phu chẳng thể suy lường được để cuồng vọng suy lường thì có khác gì đi theo vết xe đổ của huyễn nhân pháp sư, dù có muốn chẳng vướng lấy tội báo báng Phật, báng Pháp, báng Tăng cũng chẳng thể được!

* Biết lệnh nghiêm có rất nhiều điều linh cảm, tôi khôn ngăn bội phục. Như ước về lúc thọ pháp, nếu Đại Sĩ cùng thiên long bát bộ cùng hiện thì Mật Tông vẫn có cấm giới chẳng cho tuyên truyền diệu cảnh. Đấy phải chăng là vì lòng sùng phụng trong sạch, bền chắc mà ngài thuận lòng thị hiện chăng? Nếu hiểu như vậy, nhất định [người được thấy diệu cảnh đó] phải có sở chứng. Nếu [người ấy] không có sở chứng, nhất định thánh chẳng tùy tiện ứng hiện xuông!

Còn như việc “thấy ứng thân” như luận Khởi Tín đã nói thì đó là tình cảnh người niệm Phật lúc lâm chung, vì chưa phá được vô minh nên ứng thân, báo thân, pháp thân [người ấy] được thấy đó đều chẳng phải là do thiện căn của người ấy mà được thấy. Bồ Tát ứng hiện ở Phạm Âm động tại Phổ Đà cũng là phương tiện quyền biến để tăng trưởng tín tâm cho chúng sanh, tuy người người được thấy nhưng chẳng thể lấy đó làm chứng cứ. Nếu cứ vin vào đó, ắt sẽ khiến hết thảy mọi người đều dựa dẫm vào đó mà đồn thổi. Người xưa được thấy Bồ Tát Văn Thù ở Ngũ Đài rất nhiều, nhưng đều là những vị có đại nhân duyên hoặc là công phu tu tập sâu dày, hễ ai gặp Ngài đều có điểm chứng ngộ giải nhập.

Năm Quang Tự thứ mười hai, Quang tôi triều bái Ngũ Đài, trước hết ngụ tại xưởng chế tạo lưu ly ở Bắc Kinh, tìm tác phẩm Thanh Lương Sơn Chí khắp nơi nhưng chỉ tìm được một bộ, thường xem hằng ngày. Do trời lạnh, đến tháng Ba mới đến được núi. Ở trên núi hơn bốn mươi ngày, thấy những người lên núi triều bái, đa số nói được thấy Bồ Tát Văn Thù, nhưng người thật sự hành trì rất ít. Thế mới biết là những người lên núi triều bái nói được thấy Bồ Tát đều chỉ nói dựa theo những tích chuyện của cổ nhân để khoe khoang đó thôi. Nếu ai thật sự được thấy ắt sẽ giấu kín. Vàng thau khác biệt! Nếu không, ngài Văn Thù chẳng tự trọng, khinh thị hiện thân, còn ra thế nào nữa?

“Lý tức Phật” hết thảy chúng sanh đều có, chứ chẳng phải chỉ riêng người nghịch trần hiệp giác. Nếu là hạng nghịch trần hiệp giác thì đã thuộc về “danh tự tức Phật”. Ông X. nọ [khoe] khi nhập định giống hệt như Tỳ Lô Giá Na, khi xuất định lại vẫn là phàm phu, nhưng chẳng biết hổ thẹn, còn lớn tiếng khinh người. Nếu thật sự giống hệt như Tỳ Lô Giá Na, quyết chẳng đến nỗi vẫn là phàm phu! Ông ta toan dùng Mật tông để lòe người, chẳng biết rằng Quang tôi dù chẳng biết Mật tông đi nữa, lẽ nào chẳng biết đúng sai, dễ hồ lung lạc được ư?