Phật Học Vấn Đáp


Sắc tâm bình đẳng nghĩa là gi?
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Bất tri thân tâm ngoại kịp sơn hà hư không đại địa giai diệu minh chân tâm trung vật” (Chẳng biết ngoài thân tâm ra, cho đến núi, sông, đại địa, đều là vật ở trong diệu minh chân tâm), đây có phải là hàm ý “tâm và vật giống hệt như nhau”? Nếu đúng như vậy, do nương vào pháp pháp bình đẳng, lẽ ra chúng ta lưu chuyển sẽ chẳng giới hạn trong lục đạo hữu tình, mà cũng phải nên lưu chuyển trong các loài vô tình như thực vật, khoáng vật v.v... Như vậy thì mới có thể nói là “sắc tâm bình đẳng”? (Hồ Chánh Lâm hỏi)
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Dịch Giả :Cư Sĩ Như Hòa | Xem: 27

5/11/2024 12:22:15 PM
Câu hỏi này nên chia ra để nói. Điều vừa được kinh nhắc tới chỉ là nói “vạn pháp đều do tâm hiện”. Nếu tâm chẳng hiện, làm sao có thể biết được? Phạm vi [diễn đạt] của ngôn ngữ chỉ có như vậy mà thôi! Tâm và vật như nhau, theo Lý có thể nói như vậy, nhưng mỗi sự có giới hạn riêng. Ví như mẹ và con xét về Lý là cùng một Thể, nhưng xét theo Sự thì mẹ chính là mẹ, con chính là con. Nếu cứ chấp “mẹ và con xét theo Lý là một” thì cha có thể chỉ con bảo là vợ hay chăng? Còn nói “lưu chuyển chẳng hạn cuộc trong hữu tình” thì cũng chưa hề chẳng có chuyện ấy. Nhưng mạng của chúng sanh phần nhiều do nương vào sự dâm dục của loài hữu tình mà có, nên lưu chuyển trong sáu đường là chuyện thường; thần thức có lúc tiếp xúc khoáng vật, thực vật, nhưng khoáng vật và thực vật trọn chẳng giao cấu, nên cũng chẳng có cơ hội nhập thai! Nếu nói tới si mị võng lượng[i] cũng có thể giao cảm, cử động, chẳng qua là chuyện ngẫu nhiên, hoặc do quỷ thần dựa vào, hoặc do vật lâu đời trở thành yêu quái. Nói chung, chẳng thấy gỗ đá ở mọi nơi đều có thể nói năng, cử động. Người đọc sách nên khéo hiểu nghĩa ấy, đừng chấp vào từ ngữ để rồi sai lầm!
 
[i] Si mị võng lượng là thành ngữ chỉ chung các loài yêu quái. Theo truyền thuyết, thời cổ loài quỷ quái trong núi sâu, rừng rậm thì gọi là Si và Mị, các loài tinh quái trong núi sông, cây cối thì gọi là Võng, các loài yêu tinh ẩn nấp trong chốn tối tăm để trêu ghẹo hại người thì gọi là Lượng.

Trích từ:  Phật Học Vấn Đáp Loại Biên.

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật